Thế giới đang giãn cách với Trung Quốc

Thế giới đang giãn cách với Trung Quốc

1-Ban đầu nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ là người thắng cuộc trên chính trường quốc tế và kinh tế trong đợt khủng hoảng do vi rút này.

2-Nhưng hiện tại lại không phải như vậy. Thể chế độc tài – công nghệ cao của Tập Cận Bình bây giờ đang phải chịu áp lực lớn chưa từng thấy.

3-Thế giới đang yêu cầu Bắc Kinh cái điều mà họ đó chưa bao giờ có: Minh bạch.

Bài viết của Mathias Koch, đăng trên RND ngày 24.04.2020

Bà Sanna Marin, năm nay 34 tuổi, từ bốn tháng nay đang lãnh đạo nhà nước Phần Lan, một nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới. Bà là một đảng viên dân chủ xã hội thực dụng vốn là người giải quyết các vấn đề một cách nhỏ nhẹ, chứ không ưa xuất hiện trên các trang đầu của báo chí. Thế nhưng mới đây, bởi đường lối kiên định khác thường, bà đã xuất hiện trên „Thời báo New York“. Bà Marin đã cách chức ông phụ trách Hãng thông tấn quốc gia Phần Lan, Hãng này chịu trách nhiệm mua cho Chính phủ tất cả các loại trang thiết bị trong giai đoạn khẩn cấp: „Tôi đã mất lòng tin ở ông ta rồi.“

Vấn đề là: Ông công chức Phần Lan này đã đầu tư 10 triệu Euro cho việc mua khẩu trang từ Trung Quốc, những loại đáng lý ra phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các bệnh viện, nhưng thực tế thì đã không phải vậy. Các chuyên gia nói rằng, đó là các vật liệu theo „tiêu chuẩn thứ cấp“.

Từ cuối tháng ba trở lại đây ngày càng có thêm các trường hợp như nói ở trên.  Các công sở y tế ở Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng, các bộ thử vi rút Corona đến từ Trung Quốc hoạt động không đáng tin cậy. Ở Praha các bác sĩ đã cảnh báo, dụng cụ y tế của Trung Quốc cho kết quả sai, thậm chí đến mức 80 % các trường hợp. Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi trả lại khẩu trang cho Trung Quốc. Georgia đã kịp ngưng hợp đồng với Trung Quốc ở phút cuối cùng.

Một quy kết tiêu cực kép đã nảy sinh trong mỗi người trên mọi miền trái đất: Những người Trung Quốc – ban đầu họ đã trao tặng cho thế giới một loại vi khuẩn kiểu mới, rồi sau đó lại còn bán cho chúng ta những sản phẩm vô dụng.

Khủng hoảng Corona đã gây hại danh tiếng Trung Quốc trên thế giới

Trong giới ngoại giao Trung Quốc hiện tại đang ngự trị tình trạng báo động đỏ. Khắp nơi trên thế giới các nhà ngoại giao Bắc Kinh cảm nhận về dư luận có điều gì đó bất lợi đang dồn tụ lại cho nhà nước của họ. Không chỉ ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nơi ông Tổng thống hỗn loạn Donald Trump đang tìm kiếm một bung xung nào đó cho những nguyên nhân chính trị nội địa trong việc ứng xử trước làn sóng dịch bệnh, mà cả ở những nước châu Âu, xung quanh Thái Bình Dương – thực ra là khắp mọi nơi trên thế giới.

Chẳng hạn như bà ngoại trưởng của Úc Marisa Payne mới đây yêu cầu điều tra nguồn gốc xuất xứ chính xác của đại dịch tại Trung Quốc thông qua một hội đồng chuyên gia quốc tế độc lập. Cần phải có ngay „Sự sẵn sàng để đạt được minh bạch tổng thể“ – nếu không cộng đồng quốc tế sẽ chẳng thể có lại niềm tin mới nào được nữa.

Minh bạch? Điều này chưa từng có tại Bắc kinh – không chỉ trong thời đại chính quyền độc tài – công nghệ cao hiện nay của chủ tịch Tập Cận Bình, không chỉ dưới thời Mao và kể cả những triều đại khác của Trung Quốc trong 3500 năm qua.

Trung Quốc tuy đã có vài chục năm kinh nghiệm nở nụ cười khi cung cấp hầu như tất cả những gì mà thể giới muốn. Nhưng minh bạch thì đáng tiếc „Trung Hoa“ không hề có trong đơn chào hàng.

Khởi đầu đại dịch Trung Quốc vẫn còn gương mặt đẹp

Bản thân Tập Cận Bình khi vào đầu cuộc khúng hoảng đã chứng tỏ sự nhạy cảm chính trị quốc tế cao và dám nêu ra vấn đề hệ thống, thông qua giáo huấn các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản Trung Quốc: Khủng hoảng vi rút là một sự thử thách mà qua đó Trung Quốc sẽ minh chứng được toàn bộ sức mạnh và tính hiệu quả của chế độ mình.

Ban đầu Trung Quốc đã đạt kết quả tốt trong so sánh quốc tế. Bằng các phương thức còn hơn cả cứng rắn, chính quyền dường như nhanh chóng làm chủ được cuộc khủng hoảng; xem ra các chính thể dân chủ sắp phải lo sợ việc sẽ phải nhận một bài học.

Thế mà đến giờ thì công luận lại diễn theo chiều ngược lại – bởi lẽ người Trung Quốc bưng bít. Nay thì xin quý vị „đừng nên ngây ngô“ và cả tin vào sự ưu việt của Trung Quốc, ông tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo như vậy trong tờ „Thời báo tài chính“. Ở Trung Quốc đã từng „xảy ra những sự vụ mà chúng ta chẳng biết gì về chúng cả.“

Câu đố Vũ Hán: tai nạn hay ngẫu nhiên?

Vậy câu hỏi đặt ra  bây giờ là: liệu phương Tây cùng các nước còn lại của thế giới có để yên sự tù mù này không? Bằng cách gọi thẳng tên một cuộc điều tra độc lập, bà Payne người Úc  đã nói hộ suy nghĩ trong lòng của biết bao người khác.  

Từ nhiều tuần nay độc giả toàn cầu miễn cưỡng theo dõi các tin mới từ giới khoa học. Và đã đến lúc người ta không chỉ tìm đến các lời khuyên về ứng xử với đại dịch, mà còn hỏi cả đến xuất xứ của vi rút: có phải từ chợ động vật ở Vũ Hán như thường được nhắc tới không? Hay lại từ một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học không xa khu chợ đó lắm – mặc thây những tuyên bố phủ nhận mới nhất của Trung Quốc?

„Đáng lý vi rút này phải được khống chế trong nội tại Trung Quốc, nhưng thực tế thì đã không phải vậy“, ông Donald Trump nói. „Và cả thế giới hiện tại đang phải chịu sự khốn khó này“. Những nhà phê bình tổng thống Mỹ nói rằng, có lẽ Trump nói vậy hòng tránh né những sai lầm đến dựng tóc gáy của chính mình trong ứng xử liên quan đến dịch bệnh. Cũng đúng, song tương quan tình thế phức tạp hơn: nếu người ta nhìn các diễn biến thực tế ở Trung Quốc, Trump chẳng nói gì sai cả.

Nhà y học Trung Quốc đầu tiên cảnh báo loại vi rút này trên các mạng xã hội, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, đã bị bịt miệng ban đêm trong một đồn công an. Ông ta phải ký cam kết sẽ kết thúc „việc truyền bá các tin đồn và qua đó làm gây rối nghiêm trọng tình hình an ninh công cộng“.

Sự việc xảy ra ngày 30.12.2019 – ở thời điểm đó dịch đáng lý có thể khống chế hoàn toàn tại địa phương được.

Trong thời gian qua các đại diện chính quyền Trung Quốc cũng đã đến xin lỗi gia đình Lý Văn Lượng, chính ông cũng bị chết do nhiễm vi rút Corona. Cái việc chính quyền ban đầu đã ứng sử sai, không còn là bí mật quốc gia nữa.

Năm điểm để người ta có thể nghĩ đến một sự cố của phòng thí nghiệm

Nguồn gốc phát sinh của loại vi rút mới này đến nay vẫn chưa được làm rõ. Không có bằng chứng nào cho giả thuyết rằng loại vi rút Sars-Cov-2, loại cho đến nay chưa hề lan truyền, lần đầu tiên đã phát tán ra không gian công cộng từ phòng thí nghiệm vi trùng Vũ Hán. Nhưng năm điều khỏi phải nghi ngờ dưới đây đã khiến các suy đoán về tai nạn phòng thí nghiệm ít nhất không bị coi là sự thêu dệt quá xa vời:

  1. Phòng thí nghiệm Vũ Hán, loại hiện đại nhất trong lĩnh vực này ở Trung Quốc, đã nghiên cứu từ nhiều năm nay các dạng mới khác nhau của vi rút Corona.
  2. Một trọng tâm của phòng thí nghiệm là nghiên cứu cách lan truyền của các khuẩn gây bệnh từ loài dơi sang các động vật khác. Một khoa học gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại đây, nữ vi trùng học Zheng-Li Shi, từng được phương tây biết đến là „Bat Women“ (Bà dơi – người dịch).
  3. Trong tạp chí khoa học „Nature“ bà Zheng-Li Shi cùng đồng nghiệp đã công bố vào ngày 4 tháng 4 năm 2018 báo cáo về việc lan truyền vi rút Corona từ dơi sang lợn.
  4. Tương tự như vậy, năm 2018 các chuyên gia Mỹ đã cảnh báo về vấn đề an toàn trong phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tờ „Washington Post“ đã tiếp cận được báo cáo này, loại gửi qua cáp đến bộ ngoại giao Mỹ. Theo đó nghiên cứu vi rút từ con dơi, có sự tham gia tài trợ của chính quyền Mỹ, được xếp vào loại „quan trọng, nhưng cũng nguy hiểm“.
  5. Ngày 2 tháng ba 2019 bà Zheng-Li Shi đã cảnh báo khả năng lan truyền virút Corona mới sang con người trong thời gian qua đã có „một xác xuất gia tăng sẽ xẩy ra tại Trung Quốc“.

Borrel nhìn thấy „cuộc chiến của những chuyện kể“

Trước những điều kể trên, người ta có thể tin vào khả năng có tai nạn phòng thí nghiệm mà không nhất thiết để bị coi là theo thuyết âm mưu chống Trung Quốc. Đồng thời nó cũng cho phép suy luận rằng dịch bệnh này khởi đầu từ Vũ Hán cũng chỉ là ngẫu nhiên.

Chỉ ngay sự không rõ ràng này đã ảnh hưởng đến „cuộc chiến của những chuyện kể“, điều mà ông Josep Borrel, người Tây Ban Nha đặc trách viên đối ngoại của EU đang nhận thấy. Hàng cứu trợ vừa được Trung Quốc gửi theo đường không sang Ý với những cử chỉ hãnh diện, ông Borrel đã mỉa mai ngay „Chính sách hào phóng“ với những yếu tố địa chính trị rõ ràng. Rốt cuộc, theo ông, Bắc Kinh qua đó muốn thể hiện mình là đối tác mạnh, không thể bỏ qua được.

Hơn lúc nào hết các nhà chính khách và lãnh đạo kinh tế đang hướng đến khoảng cách mới với đối tác này. Không chỉ Trump như được chấp thêm cánh trong dự định muốn tháo giải nền kinh tế của mình khỏi ràng buộc vào địa bàn sản xuất ở Trung Quốc. Các chính trị gia châu Âu chí ít cũng muốn tạo dựng việc tự đảm bảo cung ứng đối với hàng hóa y tế, để không phụ thuộc vào Trung Quốc. Như chính phủ Berlin gần đây thậm chí đã mời chào bằng các cam kết bảo đảm tiêu thụ sản phẩm.

„Chỉ vì chi phí nhân công rẻ hơn vài xu“, như ông Arnim Laschet, thủ hiến bang NRW đã chỉ trích trên kênh Deutschlandfunk, mà người ta sa vào một sự lệ thuộc quá lớn với Trung Quốc. „Chúng ta sẽ phải cân nhắc mới tất cả và phải tư duy mới.“

Tổng của các xu thế tạo nên mối hiểm nguy cho Trung Quốc

Chính điều với Trung Quốc là xấu, có thể là cơ hội mới cho Nam Âu. Những điểm sản xuất dược phẩm mới đã hình thành, như ở Thessaloniki của Hy Lạp, đã đón nhận hứa hẹn cho các đầu tư mới. Liệu EU có thể bằng chính việc gỡ bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà cuối cùng sẽ đập một phát chết hai con ruồi: Cho Bắc Kinh một bài học và khơi dậy sức sống mới của Liên minh?

Các nhà kinh tế cảnh báo mọi hành động dạng chập mạch. Ngay đến các tập đoàn lớn như VW không thể từ bỏ chỗ đứng tại Trung Quốc.

Nhưng nhiều hãng nhỏ trong thời gian qua đã tự tìm kiếm địa bàn hoạt động khác rồi. Nhà sản xuất quần áo thể thao Tao ở Nürnberg chẳng hạn, đưa ra thị trường vào cuối tháng tư một mẫu khẩu trang thể thao che mặt mũi, vượt xa Trung Quốc không chỉ với kiểu dáng, mà còn cả công vận chuyển. „Thiết kế tại Nürnberg, sản xuất thực hiện tại Litva“, được in trên mác hàng. „Tất cả châu Âu – tất cả đều gần cận. Đồng lương hợp lý cho những công việc tốt lành.“

Mối nguy cho Trung Quốc nằm trong sự tích hợp các xu hướng mới tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các nước EU. Một khi những người tử tế châu Âu và những nhà dân tộc chủ nghĩa Mỹ cùng lúc quay lưng với Trung Quốc, thì đất nước này sẽ đứng trước thời khốn khó.

Chu Tiến Tăng (VdV e.V.) dịch thuật qua nguồn : https://www.rnd.de/politik

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *