ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI ĐỨC TRONG NHỮNG CUỘC KHỦNG HOẢNG

Ngoài công việc mưu sinh, mỗi con người còn có một thế giới riêng. Có người dồn toàn bộ thời gian rảnh cho âm nhạc, có người cho văn học thơ ca, có người thích chụp ảnh với thiên nhiên, có người thích giúp đỡ người khác, có người chơi thể thao. Còn tôi đôi khi lại thích được tĩnh tâm để quan sát cuộc sống, để đánh giá đúng hơn về cuộc sống trong cái đa dạng của thời đại ngày nay.

Tôi hiểu mọi chuyện đều sẽ thay đổi, kể cả thói quen, suy nghĩ, lối sống và có một phần người ta gọi là truyền thống. Tất nhiên có những thời kỳ thay đổi rất ít, ví dụ như thơi Trung cổ. Nhưng ngày nay sự thay đổi quá nhanh đến nỗi con người chưa kịp học cái mới, nó đã bị lạc hậu mất rồi.
Trước kia tôi thường nghe nói người Đức sống lạnh, máy móc, sợ luật pháp một cách cứng nhắc và đôi khi sống ích kỷ. Hơn ba mươi năm sống ở đất nước này, tôi nghiệm thấy những nhận xét như thế có thể đúng một phần ở thời kỳ trước (vì hồi đó tôi chưa đủ vốn sống để nhận xét), nhưng ngày nay không phải vậy.

Họ chấp nhận nền văn hóa khác trên đất nước họ không đến khó khăn. Họ độ lượng với người nước ngoài, khi họ thấy nó không đe dọa họ hoặc cái khó chịu vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Người Đức không vồn vã trước, nhưng vẫn lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ nếu được nhờ.

Còn nhớ cách đây vài năm khi làn sóng tị nạn tràn vào nước Đức làm xáo trộn xã hội. Nước Đức phải tìm nơi ăn chốn ở cho những người chạy trốn chiến tranh, cho trẻ em đi học, tạo công ăn việc làm, chăm sóc y tế. Nhưng cái căng thẳng nhất là tội phạm hình sự và nguy cơ khủng bố trà trộn vào dòng người kia.

Người dân Đức tự nguyện mang đồ quyên góp cho những người mới đến, dạy tiếng Đức miễn phí, chấp nhận an ninh công cộng không còn được như xưa. Nhưng điều tôi ngạc nhiên là họ không kêu ca than phiền, mà chỉ hơi thể hiện đăm chiêu trên nét mặt. Chính người nước ngoài sống trên đất Đức, trong đó có người Việt, hay kêu ca than trách hơn người bản xứ.

Có những phụ huynh dặn con khi đi học không tiếp xúc nhiều với những học sinh từ Sy-ria mới sang Đức. Các cháu thản nhiên: Các bạn ấy khổ lắm đấy, phải chạy chiến tranh, trẻ em ở đó không được đến trường và nhiều bạn đã chết. Những câu trả lời như thế làm cho phụ huynh ta giật mình.

Rồi đại dịch Corona từ đâu ập đến xé nát sự thanh bình của đất nước này. Thành phố nào cũng như thành phố chết, người ta lầm lũi mua hàng, đứng cách xa nhau, không nói chuyện, không kêu ca than vãn. Tôi thầm nghĩ, các bạn độ lượng và bình tĩnh quá, có thể chúng tôi không làm được như các bạn.

Những năm trước đây, mùa lễ phục sinh trời đẹp, hoa mùa xuân đua nhau nở và khắp nơi tràn ngập tiếng cười, tiếng nhạc, chan chứa hơi ấm tình người. Thế mà năm nay khác hẳn. Người lớn có thể còn chịu đựng được, nhưng trẻ em đang tuổi nô đùa mà cũng bị nhốt trong bốn bức tường. Thật là một sự chịu đựng rất nặng nề. Người Đức gặp người châu Á không thể hiện gì sự kỳ thị, vẫn lịch sự, ngoại trừ một vài trường hợp hãn hữu không đáng kể.

Ở Đức có rất nhiều hộ gia đình là người già độc thân, họ nằm trong nhóm nguy cơ bị dịch bệnh tấn công vì sức đề kháng đã kém. Ngay lập tức các tổ chức thanh niên được thành lập, liên lạc với các cụ để giúp đi mua thực phẩm. Người không ra cửa hàng được liệt kê những thứ mình cần, gọi điện hẹn một bạn trẻ không quen biết ở gần khu mình sống, đưa tiền mặt và nhờ được giúp đỡ.

Đưa tiền mặt cho một người lạ? Họ phải có lòng tin giữa người với người mới có thể làm như thế. Các bạn trẻ đến bấm chuông người đã gọi điện cho mình, nhận tiền, danh sách những đồ cần mua và túi mua hàng, ít lâu sau trở về giao hàng và tiền còn lại cho các cụ. Họ chào nhau, cám ơn thân thiện dù phải đứng cách nhau 2 m, chưa thấy truyền thông nói đến vụ lừa nào.

Quan sát trong cửa hàng cũng rất thú vị. Những sản phẩm công nghiệp giống nhau thì không cần phải nói, nhưng sản phẩm nông nghiệp không thể giống hoàn toàn. Người Đức dễ tính, đến nhặt một củ su hào mà không cần bới từ dưới lên trên để tìm củ to. Nhặt một quả dưa chuột mà không cần so xem quả nào dài hơn, to hơn. Vào cửa hàng hoa cũng thế. Họ chỉ cần nói cho tôi 5 bông hồng là tùy người bán hàng lấy cho bông nào đồng ý bông đó, nói giá bao nhiêu là trả bấy nhiêu.

Khi người lớn đi cùng trẻ em, lúc nào tôi cũng nghe thấy họ giải thích cho em bé điều gì đấy: Sự an toàn trong giao thông, xếp hàng, người nói to không lịch sự, đậu xe không đúng quy định. Chính vì thế trẻ em học được rất nhiều, bổ sung cho giáo dục trong nhà trường. Cái này học sinh Việt Nam thiệt thòi hơn các bạn Đức.

Chính phủ Đức thì chi ra hơn 1200 tỷ Euro để giúp các doanh nghiệp, để họ yên tâm ở nhà tránh lây lan. Các cửa hàng của người Việt cũng được hưởng sự trợ giúp này. Cứ vài hôm nguyên thủ quốc gia lại họp báo trả lời tất cả những câu hỏi của phóng viên, kêu gọi đoàn kết giúp đỡ nhau. Các giáo sư đầu ngành hàng ngày báo cáo với dân tình trạng dịch bệnh và giải thích vì sao phải có những biện pháp cần thiết để chống lại.

Người Đức rất bình tĩnh trong những tình huống hiểm nghèo. Họ nói rằng, hoảng loạn chỉ góp phần làm tình hình thêm trầm trọng hơn. Họ có lý. Tôi băn khoăn muốn biết nguyên nhân chính nào dẫn đến tính cách kể trên và người Việt chúng ta có học được gì không?

Trong vòng hai chục năm trở lại đây, đã hai lần người ta khẳng định: Thế giới không còn như xưa nữa, đó là sau trận khủng bố ở New York năm 2001 và khủng hoảng kinh tế thế giới 2008/09.
Nhưng lần này sự thay đổi gần như chắc chắn. Quá trình toàn cầu hóa đã tiến rất sâu dẫn đến tình trạng mang tính „phân công lao động“. Trung Quốc trở thành xưởng sản xuất của thế giới, cung cấp gần một phần tư hàng tiêu dùng. Bây giờ chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nguy hiểm hơn là đổ vỡ niềm tin.

Quá trình toàn cầu hóa có thể không thể đảo ngược được, nhưng chắc chắn bị chậm lại rất nhiều. Con đại bàng Mỹ đã thức tỉnh, giấc mộng Trung Hoa có thành hiện thực, Liên minh châu Âu có còn như xưa không, vai trò của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức y tế thế giới sẽ như thế nào? Tất cả những câu hỏi đó không thể có câu trả lời trong một thời gian ngắn.
Chúng ta hãy chờ xem và quan sát kịch tính của trái đất này sau đại dịch!
Nguyễn Thế Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *