„NGÀY GIẢI PHÓNG”

Cách đây đúng 75 năm, ngày 8/5/1945, Đức quốc xã ký văn bản đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến đẫm máu do Hitler gây ra. Bằng sự kiện đầu hàng này sự chết chóc mới tạm dừng ở châu Âu, bởi vì đồng minh của Đức là phát xít Nhật vẫn sa lầy vào cuộc chiến ở viễn đông, cho đến khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki tháng tám năm đó.

Vì tính chất lịch sử, Berlin quyết định ngày 8/5/2020 là ngày nghỉ để tưởng niệm „NGÀY GIẢI PHÓNG“ và chỉ kỷ niệm trong năm nay thôi. Khoảng 60 triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh. Đó là những người lính ngã xuống ở chiến trường, những người bị giết trong các trại tập trung, những người bị thiêu cháy trong những thành phố rực lửa, những người chết vì đói, bệnh tật, bị tra tấn trên con đường tẩu thoát về quê cũ.

Thực ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện đã được đại tướng Đức Alfred Jodl ký ngày 7/5/45 tại Reims, tổng hành dinh của tướng Eisenhower, tư lệnh quân đồng minh ở châu Âu. Tuyên bố có hiệu lực từ 23 giờ ngày 8/5/45. Dù quân đồng minh là liên quân của bốn cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp, nhưng Stalin không chịu bắt Tổng tư lệnh Đức Wilhelm Keitel ký văn bản đầu hàng lần nữa tại tổng hành dinh quân đội Liên Xô tại Berlin – Karlshorst ngày 9/5/1945.

Đối với nhiều người Đức, cảm giác đau buồn và tủi nhục bao trùm lên toàn nước Đức nhiều năm. Hai cảm xúc „ngày giải phóng“ và „ngày tủi nhục“ giằng xé tâm trạng người dân Đức, họ chỉ biết im lặng chấp nhận.
Trận đánh vào nhà quốc hội Đức là một trận tàn khốc, mất rất nhiều sinh mạng cả hai bên, giành giật từng ngôi nhà từng góc phố và Hồng quân Liên Xô là lực lượng đầu tiên chiếm được nhà quốc hội.

Nhân dịp kỷ niệm bốn năm ngày chiến thắng phát xít 1949, quân đội Liên Xô đã dựng đài tưởng niệm cực lớn ở Treptower Park Berlin. Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh đã ngã xuống vì giải phóng loài người khỏi ách phát xít. Đó là tượng một người lính cao 30 m, một tay bế cháu bé một tay cầm thanh kiếm, chân giẫm nát chữ thập ngoặc, biểu tượng của chế độ Hitler.

Vì hai hệ tư tưởng đối đầu giữa Liên Xô xã hội chủ nghĩa và Mỹ cùng các đồng minh tư bản chủ nghĩa không thể dung hòa, nước Đức bị chia làm bốn. Chiến tranh lạnh căng thẳng đến cực điểm, nguy cơ đại chiến lần thứ ba ẩn náu từng giây từng phút. Năm 1969 Willy Brandt của đảng SPD nhậm chức thủ tướng Tây Đức. Ông nhận thấy một điểm mấu chốt là căng thẳng với miền đông không những không mang lại hiệu quả mà còn mang đến nguy cơ. Ông đã cùng người cố vấn tài giỏi Egon Bahr thực hiện chính sách „Hòa giải thông qua con đường thân thiện“.

Năm 1970 trong một chuyến thăm Ba Lan, ông đã quỳ gối, cúi đầu tại Vác- xa- va để tưởng niệm những nạn nhân Do Thái do phát xít Đức giết trong vụ nổi dậy năm 1943. Hành động bất ngờ này của Thủ tướng Tây Đức gây sửng sốt cho toàn thế giới. Một năm sau, ông được nhận giải thưởng Nobel về hòa bình, vì ông là người mở khóa để kéo bức màn sắt chiến tranh lạnh thế kỷ thứ hai mươi. Trong bài phát biểu tưởng niệm ngày 8/5, lần đầu tiên ông khen ngợi công cuộc xây dựng của „Đồng bào chúng ta tại CHDC Đức“ nhưng vẫn chưa có từ „giải phóng“.

Ngày 8/5/1985 nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh, Tổng thống Đức Richard von Weizsäcker đã có một bài phát biểu nổi tiếng trước Quốc hội Đức. Các nhà nghiên cứu cho đây là bài phát biểu quan trọng nhất về đề tài này. Lần đầu tiên người đứng đầu nhà nước CHLB Đức dùng khái niệm „NGÀY GIẢI PHÓNG“ cho sự kiện 8/5/1945. Xin được phép dịch đoạn quan trọng của bài phát biểu trên để độc giả tham khảo:

…„Đối với chúng ta, ngày mồng 8 tháng 5 trước hết là ngày nhớ đến những khổ đau mà loài người đã phải hứng chịu. Đồng thời đó là ngày chúng ta phải trăn trở trong những mốc lịch sử của đất nước chúng ta. Chúng ta tưởng niệm nó càng thực tâm bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy được thoải mái hơn để dũng cảm lãnh trách nhiệm mà hậu quả của nó đã gây ra.
Đối với người Đức chúng ta, ngày 8 tháng 5 không phải là ngày để chúng ta ăn mừng. Những ai đã chứng kiến trực tiếp sẽ luôn nghĩ lại những gì họ đã mắt thấy tai nghe, mỗi người một trải nghiệm. Người được trở về quê hương bản quán, người mất quê hương sống lang thang đâu đó. Người được tự do, người bắt đầu với tù đầy giam hãm. Có những người đơn thuần chỉ biết cám ơn, vì những đêm hứng bom và nỗi sợ hãi đã qua đi, họ đã sống sót. Có những người cảm thấy nỗi đau tàn nhẫn khi tổ quốc họ bị nhấn chìm trong thất bại. Thật cay đắng khi người Đức phải đứng trước một ảo tưởng bị xé nát, trong khi một số khác thật lòng cám ơn vì món quà cho phép họ được làm lại từ đầu.

Ngày 8/5 là một ngày GIẢI PHÓNG. Nó đã giải phóng tất cả chúng ta khỏi một chế độ dùng bạo lực và coi thường mạng sống của con người. Không một ai được quên ngày giải phóng này. Có những người cảm được nỗi đau thực sự lại bắt đầu từ mồng 8 tháng 5 và những tháng năm sau đó. Nhưng chúng ta không được nhìn nhận việc kết thúc chiến tranh là nguyên nhân của chạy trốn vì người Đức bị bài trừ. (Sau chiến tranh, 12 triệu người phải rời khỏi các nước Đông Âu trả lại đất cho Ba Lan, Nga gây ra cái chết thảm thương của hơn hai triệu người trên đường chạy về Đức – ND).

Nguyên nhân chính của nó là sự khởi đầu một chế độ sắt máu đã gây ra chiến tranh. Chúng ta không được phép tách ngày 8/5/1945 với ngày 30/1/1933. (Ngày Hitler chính thức lên nắm quyền)
Thực sự chúng ta không có lý do để hôm nay tham dự vào lễ mừng chiến thắng. Nhưng chúng ta có lý do để nhận ra ngày 8/5/1945 là ngày kết thúc một trang sử sai lầm của nước Đức, nó cũng chứa đựng trong đó sự nảy mầm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn“…
Trích một đoạn trong bài phát biểu của Tổng Thống Richard von Weizsäcker ngày 8/5/1985
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *