Viện Robert-Koch (RKI) thay đổi quan điểm về khẩu trang

Viện Robert-Koch (RKI) thay đổi quan điểm về khẩu trang

Thành phố Jena và Áo đã áp dụng – Merkel phản đối –
Tự may khẩu trang có phải là một giải pháp bổ ích hay không?

(Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch)
Nguồn: https://www.bild.de/…/coronavirus-mundschutz-pflicht-oder-f…

Cuộc tranh luận về việc này vẫn chưa chấm dứt: đeo khẩu trang hay không đeo khẩu trang?

Cho tới nay Viện Robert-Koch (RKI) đã gợi ý trên trang mạng của mình:
Những người bị viêm nhiễm đường hô hấp mãn tính khi đi ra ngoài đường cần phải đeo khẩu trang che miệng và mũi hoặc những vật dụng bằng vải khác để ngăn chặn.

Giờ đây viện RKI đã thay đổi nhận xét của mình: Kể cả những người không mắc triệu chứng đeo khẩu trang để phòng ngừa thì điều đó cũng có thể giảm bớt rủi ro truyền virút sang người khác, đó là nội dung được công bố trên trang mạng của cơ quan này. Tuy nhiên về mặt khoa học điều đó chưa được xác minh.

Viện này còn phân tích thêm: Không phải mỗi một người bị nhiễm virút coruna đều phát hiện được điều đó và vì thế vẫn có thể tiếp tục truyền những con virút. Cần phải tiếp tục thực hiện những quy tắc về ho và hắt hơi, về vệ sinh tay và giữ khoảng cách tối thiểu và cả về khẩu trang nữa. Ngoài ra cũng không có những bằng chứng đầy đủ để xác minh rằng đeo khẩu trang che miệng và mũi hoặc đeo khẩu trang tự may có thể bảo vệ cho bản thân mình không bị lây nhiễm.

Thủ tướng Đức Merkel phản đối nghĩa vụ đeo khẩu trang

Trong cuộc hội đàm điện thoại hôm thứ tư vừa rồi (01.04.2020), Thủ tướng Angela Merkel và các thủ hiến của các bang Cộng hòa liên bang Đức đã thống nhất rằng không ban hành nghĩa vụ bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Trước đó bà Merkel đã cảnh báo rằng việc bắt buộc đeo khẩu trang có thể sẽ dẫn đến tình trạng chủ quan và vô lo quá mức làm cho người ta không lưu ý tới khoảng cách nữa. Ai cũng biết rằng khẩu trang đeo sau nửa tiếng đồng hồ thì đã bị thấm ướt đến mức trở thành tụ điểm của virút.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Seehofer: sản xuất „bằng mọi giá“

Quyết định về việc có đeo khẩu trang hay không còn phụ thuộc vào việc phải có đủ khẩu trang để cung cấp cho mọi người. Vì hiện nay cả thế giới đều lao vào mua khẩu trang nên mặt hàng này đã trở thành ưa chuộng và khan hiếm.

Bộ trưởng bộ nội vụ Seehofer đã phát biểu với tờ báo BILD: Người ta có thể giải quyết vấn đề khan hiếm hiện nay nếu sản xuất nó „bằng mọi giá“. Nền kinh tế giờ đây đang gặp những thách thức. Ông không muốn giao nghĩa vụ cho nên kinh tế nữa, một lời kêu gọi cũng đủ có hiệu quả như vậy rồi.

Cụ thể về nghĩa vụ đeo khẩu trang, ông nói: việc này „có thể trao đổi và một lúc nào đó, nhưng không phải bây giờ“.

Ông Seehofer cũng đã nhấn mạnh rằng ông không loại trừ khả năng „điều đó một lúc nào đó sẽ đến với chúng ta“. Vì kể cả trong những thời điểm sáng sủa hơn, nếu tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống, đời sống kinh tế có thể được phục hồi từng bước và lúc đó quy định để „làm kinh tế trong thời đại dịch có thể sẽ là đeo một chiếc khẩu trang“.

Đeo khẩu trang: có

Ông Klaus Reinhardt, Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ liên bang kêu gọi quần chúng nhân dân phải đeo khẩu trang: „Gợi ý của tôi: Quý vị hãy lo hay tự làm cho mình một chiếc khẩu trang đơn giản và hãy đeo nó vào khi ra ngoài. Khẩu trang không đảm bảo được việc chống khỏi bị lây nhiễm, nhưng nó có thể trợ giúp được một chút để giảm thiểu rủi ro ngăn ngừa lây sang người khác hoặc mình bị lây nhiễm.“

Thành phố Jena đã ban hành nghĩa vụ bắt buộc đeo khẩu trang

Đây là thành phố đầu tiên ở Đức quy định nghĩa vụ đeo khẩu trang bắt đầu từ tuần tới tại các cửa hàng mua bán, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các tòa nhà có giao tiếp với công chúng.

Đeo khẩu trang: không

Hôm 31.03.2020 vừa rồi ông Bộ trưởng Bộ y tế liên bang Jens Spahn đã nói: „Trong tình hình hiện nay, tôi không thấy sự cần thiết phải áp dụng quy định nghĩa vụ này.“

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng hoài nghi về tác dụng của nghĩa vụ đeo khẩu trang nói chung. Không hề có một dấu hiệu nào chứng tỏ rằng việc này đem lại lợi ích gì. Giám đốc phụ trách cứu trợ của WHO, ông Michael Ryan đã phát biểu như vậy hôm thứ hai vừa rồi tại Giơ ne vơ. Ông cũng tuyên bố thêm rằng ở phần lớn các nơi trên thế giới việc lây nhiễm thường xảy ra ở trong môi trường nhà ở chứ không phải ở ngoài đường.

Có những loại khẩu trang nào?

Ông Reinhardt, Chủ tịch hiệp hội bác sĩ liên bang gợi ý: „Quý vị đừng đặt những loại khẩu trang chuyên dụng trên internet hoặc mua nó nếu quý vị không làm việc trong ngành y tế hoặc đã có những bệnh nền từ trước, trong trường hợp đó quý vị cần loại khẩu trang FFP2- hoặc FFP3-. Những khẩu trang chuyên dụng cần thiết hơn cho những người khác.

Chuyên gia virút, ông Christian Drosten phát biểu trước đây vài ngày rằng không có những dữ liệu khoa học chứng minh tác dụng của những khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang loại FFP2-: ngược lại loại khẩu trang FFP3- sát với mặt và đã được xác nhận có tác dụng chống lây nhiễm các loại virút này.

Tự may khẩu trang?

Khẩu trang tự may có hình hoa, xọc, màu sắc rực rỡ trông rất vui mắt. Nhiều diễn viên và nghệ sĩ của Đức như ca sỹ Lena Meyer-Landrut, nghệ sĩ hài Jan Böhmermann và người hướng dẫn chương trình Anne Will đã phát động sáng kiến đeo khẩu trang trên trang Twitter #maskeauf và tuyên bố: Bạn hãy tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác trước nguy cơ lây nhiễm virút coruna!

Nhiều cá nhân đã sử dụng máy khâu để thể hiện sự sáng tạo của mình. Trên mạng internet có trang hướng dẫn tự làm khẩu trang: https://www.stylebook.de/…/mundschutz-atemschutzmaske-naehen

Thậm chí có những người sử dụng cả cuộn giấy dùng cho nhà bếp và dây cao su để làm khẩu trang.

Một điều khẳng định rằng khẩu trang hoàn toàn không thể thay thế những biện pháp khác như rửa tay một cách kỹ lưỡng và giữ khoảng cách.

(Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch. Berlin 02.04.2020.)

Nguồn: https://www.facebook.com/caulacbo.thangmuoi/posts/2703883836389689

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *