HỒNG – KÔNG SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Từ nhiều năm nay, cái tên Hồng Kông xuất hiện trên truyền thông rất nhiều vì nó vừa là Trung tâm tài chính mạnh của thế giới, vừa là một thành phố tiềm ẩn khủng hoảng chính trị bất cứ lúc nào. Người ta dự đoán, những ngày sắp tới tình hình Hồng Kông sẽ rất căng thẳng. Luật An ninh của Trung Quốc ứng dụng cho khu tự trị này sắp được thông qua tại Bắc Kinh.

Nhiều người Việt chưa hiểu kỹ lịch sử Hồng Kông nên có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề tại sao Trung Quốc lại can thiệp. Bài viết này xin tóm tắt những nét chính về khu tự trị vốn là thuộc địa cũ của Anh, để độc giả tiện theo dõi những diễn biến phức tạp có thể xảy ra thời gian tới. Hồng Kông là một bán đảo lớn và trên 260 đảo nhỏ, diện tích khoảng 1100 km2 nằm ở bờ biển phía nam Trung Quốc, sát thành phố Thẩm Quyến.

Ở thế kỷ thứ 19, nước Anh như một con sư tử ở châu Âu vì được chế độ quân chủ lập hiến và cách mạng công nghiệp chắp cánh. Các cường quốc ở châu Âu tranh giành thuộc địa một cách không khoan nhượng dẫn đến sự ra đời của Chủ nghĩa đế quốc. Đó là chính sách của các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Mỹ, muốn độc chiếm thị trường, vơ vét tài nguyên, áp đặt văn minh châu Âu cho các nước chậm tiến, thực hiện cá lớn nuốt cá bé.

Anh chiếm Ấn Độ thành thuộc địa, trồng Nha phiến bán kiếm lời. Thời kỳ đó Trung Quốc cũng thận trọng mở cửa buôn bán với nước ngoài. Phương tiện thanh toán lúc đầu được quy định là dùng vàng hoặc bạc, nhưng từ những năm 1820, nha phiến cũng được coi như tiền để chi trả. Anh bắt nạt Trung Quốc và chỉ trả bằng nha phiến trồng ở Ấn Độ, làm cho rất nhiều người Trung Quốc nghiện, suy kiệt sức khỏe.

Năm 1839 Hoàng đế Trung Hoa nhận ra mối nguy cơ nên đã ra lệnh cấm, tịch thu và thiêu hủy nha phiến nếu bị bắt trên đường vận chuyển. Trước tình thế đó, Anh tuyên chiến với Trung Quốc. Hải quân Anh quá mạnh nên Trung Quốc đại bại năm 1841 trong một trận hải chiến, buộc họ phải ký Hiệp ước Nam – Kinh 1842:Trung Quốc phải đền Hồng Kông (Hương Cảng) cho thực dân Anh và phải mở cửa một số cảng quan trọng khác để Anh được tự do buôn bán. Đó là chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.

Năm 1856 quân đội Trung Quốc một lần tấn công tàu mang quốc kỳ Anh, thế là chiến tranh nha phiến lần thứ hai nổ ra từ 1856 – 1860. Anh và Pháp bắt Trung Quốc phải mở cửa thêm những cảng quan trọng khác trong đó có Thượng Hải và hợp pháp hóa việc buôn bán nha phiến. Đây là thời kỳ nhục nhã nhất của lịch sử Trung Hoa. Năm 1898 Anh bắt Trung Quốc để Anh sử dụng Hương Cảng 99 năm nữa, tức là sẽ trả lại TQ vào năm 1997. Không còn cách nào khác, Trung Quốc phải cam chịu.

Trong đại chiến thế giới II, Nhật tấn công Trung Quốc 1937 nên rất nhiều người tìm cách chạy trốn sang HK. Năm 1941 Nhật chiếm Hồng Kông nên người ta lại chạy về lục địa. Sau khi Nhật đầu hàng, Anh lập lên một chính phủ dân sự ở bán đảo này, lúc đó HK chỉ còn 650000 dân. Nhờ cơ chế tự do và sự linh động của người châu Á, trong một thời gian ngắn, Hồng Kông đã trở thành trung tâm tài chính và công nghệ hiện đại của thế giới.

Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền đề ra hai mục tiêu lớn là hiện đại hóa đất nước và tìm cách thống nhất đất nước gồm cả Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Năm 1982, nhân chuyến thăm Trung Quốc, thủ tướng Anh Thatcher và Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên bàn đến tương lai của Hồng Kông. Năm 1984 một hiệp ước giữa hai nước được ký kết với nội dung: Anh trả Hồng Kông cho TQ năm 1997 và thực hiện sách lược „Một đất nước hai chế độ“ tức là phải để Hồng Kông phát triển theo chế độ tư bản thêm 50 năm nữa, đến 2047. Trung Quốc đồng ý điểm thỏa thuận này.

Tháng 6/1989 sau khi phong trào sinh viên đòi dân chủ bị đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, nhiều người nòng cốt của phong trào chạy trốn sang Hồng Kông để tránh bị bắt. Nhiều người trong số họ sau đó đã sang Mỹ. HK luôn là đích đến của người TQ nội địa khi có biến.
Ngày 1/7/1997 Hồng Kông chính thức được trao trả cho Trung Quốc, chấm dứt 150 năm làm thuộc địa của nước Anh. Đáng lẽ phải chờ đến 2047 theo hiệp định, nhưng Trung Quốc không đủ kiên nhẫn nên can thiệp ngày càng rõ ràng vào việc quản lý HK.

Tháng 8/2014 Bắc Kinh công bố sẽ cử người của họ để dân HK bầu làm thống đốc đặc khu. Điều này làm cho dân HK nổi giận, họ xuống đường biểu tình phản đối, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người dân HK tự nguyện nhập cuộc nên ngày càng đông và chiếm trung tâm tài chính HK. Họ mang theo dù để chống lại hơi cay và vòi phun nước của cảnh sát. Chính vì thế phong trào này có tên là phong trào „Dù vàng vì dân chủ“. Phong trào phản ứng bị chính quyền HK dùng bạo lực đè bẹp, những người hoạt động bị bắt.

Người dân HK đã được sống nhiều năm trong xã hội tự do nên họ sợ tương lai của họ và con cháu khi bị Bắc Kinh cai quản hoàn toàn. Họ muốn trở thành một quốc gia độc lập chừng nào TQ chưa có dân chủ.

Tháng 6 năm 2019 gần 2 triệu trong số 7 triệu dân HK xuống đường phản đối áp dụng Luật dẫn độ người tình nghi HK cho Trung Quốc xử. Biểu tình kéo dài nhiều tháng liền làm thiệt hại nặng đến kinh tế. Họ chiếm nhà quốc hội, ném thuốc màu, trứng thối vào các cơ quan đại diện của Trung Quốc tại HK, chấp nhận đụng độ có đổ máu với cảnh sát. Tháng 8/ 2019 những người biểu tình chiếm sân bay làm tê liệt giao thông hàng không. Đến tháng 10, họ chiếm giữ và cố thủ nhiều trường đại học, buộc cảnh sát phải dùng bạo lực để dẹp.

Ngày 24/11/19 phe dân chủ thắng lớn trong cuộc bầu cử chính quyền các quận ở HK (17/18 quận bầu cho phe dân chủ). Điều đó càng làm cho Bắc Kinh tức giận và họ quyết định phải giải quyết vấn đề HK càng nhanh càng tốt, vì để lâu tình hình sẽ phức tạp hơn. Họ áp dụng những biện pháp mạnh, dù biết sẽ bị thế giới phản đối.

Người HK cũng nói rằng, đây là cơ hội cuối cùng để họ đấu tranh vì càng để lâu Trung Quốc càng siết chặt. Tháng 9/2018, tuyến đường sắt cao tốc từ Quảng Châu đến HK đã khai trương, một tháng sau đó đường cao tốc nối HK với Macao và thành phố Zhuhai cũng đã đưa vào sử dụng. Mặc dù thế từ nhiều năm nay sự bình yên ở HK không còn nữa. Tình hình sẽ diễn biến khó lường trong những tháng ngày sắp tới. Số phận của Đài Loan cũng không khác gì HK, nhưng Đài Loan lớn, nằm trên một hòn đảo cách đất liền vài trăm Km, cũng bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực quân sự để thống nhất. Hiện tại Đài Loan đã sẵn sàng đón nhận dân HK khi có biến. Đó là sự đùm bọc của những con người cùng huyết thống, cùng văn hóa.
Nguyễn Thế Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *