Suy thoái kinh tế ở Đức và thế giới chưa thể kết thúc nhanh chóng
Theo đánh giá của các nhà kinh tế và Ngân hàng quốc gia Đức, do cuộc khủng hoảng corona hiện nay, nền kinh tế quốc dân ở Đức đã rơi vào một giai đoạn suy thoái và chưa thể dự đoán được rằng sau khi kết thúc đại dịch, nền kinh tế sẽ được phục hồi với tốc độ như thế nào.
Riêng trong tháng 4.2020, số người rơi vào tình trạng làm việc không đủ giờ (Kurzarbeit) đã vượt quá mức 1 triệu người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có nhiều kết quả dự đoán của những tổ chức kinh tế và viện nghiên cứu khác nhau. Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế vào tháng 4.2020, tổng sản phẩm quốc nội của Đức trong năm 2020 sẽ giảm đi 7% và sẽ tăng trong năm 2021 ở mức + 5,2%.
Trong khi đó dự đoán của OECD cho thấy mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Đức trong năm 2020 sẽ ở mức +0,3% và năm 2021 là +0,9%.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền công nghiệp Đức trong tháng 2 vẫn giữ được mức ổn định. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier phát biểu với đài truyền hình ARD rằng nước Đức có một “nền kinh tế có sức đề kháng cao”.
Theo dự đoán của OECD, do đại dịch coronavirus, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới nói chung trong năm 2020 sẽ giảm đi một nửa so với dự kiến ban đầu và chỉ đạt mức 1,5 %, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của năm 2019 là 2,9%. Riêng Trung Quốc là nước virus xuất hiện đầu tiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 4,9 % (năm 2019 đạt 6,1%).
Cũng theo đánh giá của OECD, kinh tế thế giới trong quý 1 / 2020 sẽ giảm đi. Tất cả 20 nước công nghiệp hàng đầu đều bị ảnh hưởng của đại dịch. Những nước có quan hệ càng khăng khít với Trung Quốc thì ảnh hưởng càng nặng, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
(Nguyễn Đức Thắng tổng hợp)