LẠI MỘT CÚ ĐẤM CỦA BÁO BILD
Trước đây vài tuần, Tổng biên tập báo BILD của CHLB Đức đã viết bức thư rất đanh thép gửi Tập Cận Bình, do Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin đã thóa mạ và đe dọa ông. Chiều nay lúc 14 giờ 37, một bài của phóng viên SIMON SCHÜTZ lại được đăng trên tờ báo kiên cường này. Sau khi đọc qua, tôi quyết định ngừng các công việc khác để dịch bài báo này ra tiếng Việt. Đức, một đối tác rất quan trọng của Bắc Kinh cũng đã lên tiếng mạnh mẽ.
KẾ HOẠCH MỚI ĐỂ VƯƠN LÊN LÀM BÁ CHỦ THẾ GIỚI – TRUNG QUỐC DỰA TRÊN NỀN NGOẠI GIAO LANG SÓI, RẤT HIẾU CHIẾN
Giới chuyên gia thống nhất với nhau rằng: Binh đoàn ngoại giao của những con sói đang chiến đấu vì quyền lợi của Trung Quốc như kiểu phim Rambo
Tập Cận Bình (66 tuổi), chủ tịch Trung Quốc, muốn tận dụng cơ hội để mở rộng thêm quyền lực của Trung Quốc.
Thế giới sau đại dịch Corona sẽ không còn là thế giới như chúng ta đã sống. Đây có phải là câu sáo ngữ hay không, hãy để thực tế chứng minh.
Có lẽ không còn mấy nghi ngờ rằng, cuộc khủng hoảng Corona đã thêm tính khốc liệt của cuộc chiến giành bá chủ thế giới giữa các cường quốc.
Điều chắc chắn là: Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một thế giới sau Corona mà trong đó Trung Quốc là cường quốc mạnh nhất, bỏ rơi đối thủ nguy hiểm Hoa Kỳ.
Để đạt mục đích đó họ dùng mọi hình thức, đặc biệt đáng chú ý là kiểu lên giọng chống nước Mỹ một cách rất hung hãn của các chính trị gia Trung Quốc cũng như giới truyền thông nước này. Không chỉ riêng chống Mỹ, nói chung các đại sứ quán Trung Quốc trên toàn thế giới ứng xử rất hiếu chiến.
Càng ngày càng thấy rõ hơn những thông tin sai lệch và bịa chuyện vô liêm sỉ. Tất cả theo đuổi một mục đích, thực hiện bằng được quyền lực địa chính trị của Trung Quốc.
Công cụ mới nhất, gây chú ý nhất trong thùng công cụ của Trung Quốc được đưa ra sử dụng là chiến lược ngoại giao „kiểu chó sói“.
Ý kiến của chuyên gia Thorsten Benner, giám đốc Global Public Policy Institute ở Berlin giải thích với báo Bild rằng:
Cái tên CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO CỦA BẦY SÓI xuất phát từ bộ phim hành động nhiều tập của Trung Quốc „Wolf Warrior“. Nội dung phim ca ngợi đội quân đặc nhiệm Trung Quốc đè nát quân đội ngoại bang.
Phản ứng hiện tại của Trung Quốc thể hiện như thế này: Dùng các chiến binh chó sói trên mặt trận ngoại giao để chiến đấu vì quyền lợi của Trung Quốc kiểu như phim Rambo, sử dụng dọa nạt, tuyên truyền và tung tin giả để thay các hình thức ngoại giao thông thường.
Điển hình cho kiểu ngoại giao chó sói rất hiếu chiến là Zhao Lijian, cấp phó bộ phận phát ngôn tuyên truyền của Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Benner mô tả Lijian là một nhà ngoại giao hung đồ, kẻ tuyên truyền không biết mệt mỏi thuyết âm mưu, ví dụ nói rằng COVID 19 có nguồn gốc từ quân đội Mỹ.
Một đặc điểm nổi bật nữa là mọi chỉ trích nhà nước độc đảng đều bị coi là xúc phạm đến nhân dân Trung Quốc và có động cơ kỳ thị. Họ diễn như giàn nhạc chống phương tây kiểu thực dân ngày xưa.
Đáng chú ý là thuyết âm mưu đã được rất nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc vận dụng. Zhao Lijian không phải là cá biệt. Điều đó cho thấy rõ ràng hành động này có chỉ đạo từ trên. Zhao Lijian có thể là hiện thân của nền ngoại giao Trung Quốc trong tương lai – Benner nhận định.
Còn ông Konstantin Kuhle (31 tuổi), chính trị gia của đảng FDP thì báo động:
Trong cuộc khủng hoảng Corona, Trung Quốc tìm cách đánh bóng uy tín của mình và che đậy nguốn gốc con virus thông qua tuyên truyền vô liêm sỉ. Đức và các nước EU không thể chấp nhận điều đó và phải thể hiện kiên quyết khước từ những gì Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng.
Chắc chắn ý đồ của nền ngoại giao Trung Quốc là muốn tạo cảm giác tự tin mới. Người ta đã tìm cách quảng cáo cuộc chiến quyết liệt của họ chống Virus ở trong nước, đồng thời muốn quốc tế công nhận sự hào hiệp qua việc viện trợ hàng y tế.
Nhưng kế hoạch đó thất bại: Thế giới tập trung vào việc tìm tội lỗi của Trung Quốc gây ra hậu quả khủng khiếp trong cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc không những bị chỉ trích vì sự xuất hiện của con Virus mà đặc biệt bị chỉ trích về việc cung cấp thông tin giai đoạn đầu dịch. Sự che đậy giấu diếm đã gây hậu quả ghê gớm. Đại dịch này đáng lẽ đã có thể ngăn ngừa được.
Chính Trung Quốc cũng phải chịu sức ép rất lớn về kinh tế qua những chỉ số rất tệ trong lịch sử gần đây của đất nước này. Họ làm như mình là nạn nhân do tội lỗi của Tổng thống Mỹ đã chủ ý gây ra đại dịch.
Ông Benner rút ra kết luận: Cũng có thể sự phản ứng hung hãn của Trung Quốc liên quan đến chiến dịch tung tin thất thiệt là dấu hiệu của yếu đuối, căng thẳng và cảm giác không chịu nổi vì bị đe dọa.
TRUNG QUỐC MUỐN CHIA RẼ MỸ VÀ CHÂU ÂU
Đã từ lâu, mục đích của Trung Quốc là tách châu Âu khỏi liên minh với Mỹ. Một nhà nghiên cứu Trung Quốc có tiếng tăm có lần viết về mục tiêu tối thiểu của Bắc Kinh cho ông Mark Leonard, giám đốc của ECFR: „Nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thì chúng tôi muốn, ít nhất châu Âu giữ vai trò trung lập“ – ông Benner mô tả chiến lược của Trung Quốc như thế.
Nhưng hành động của châu Âu cũng không phải là mẫu mực và mang tầm chiến lược.
„Châu Âu đã để cho Bắc Kinh quá dễ dàng thực hiện ý đồ, tạo điều kiện để họ mua đứt những tinh hoa của chúng ta và làm cho châu Âu (kể cả Đức) phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc biết biến sự phụ thuộc này thành công cụ và đe dọa nước Đức, ví dụ như vấn đề mạng 5G.“
„Vì Trung Quốc đã thể hiện bộ mặt thật của mình, nên lúc này cần xét lại cán cân phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc“ – ông Benner tuyên bố. Đức và châu Âu cần phải hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước khác như Nhật, Nam Triều Tiên, Úc, Đài Loan, Ấn Độ để chống lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nguyễn Thế Tuyền chuyển ngữ