TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CHLB ĐỨC

„Giáo dục là quốc sách“
„Giáo dục quyết định vận mệnh đất nước trong tương lai“…
Những tiêu đề như thế được đề cao ở tất cả các nước trên thế giới, dù họ có nền văn hóa và tín ngưỡng như thế nào. Đó là giá trị phổ quát hiển nhiên, chúng ta không cần bàn đến nữa.
Hiện tại hầu như ít người hài lòng với hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Có người đánh giá là „nhồi nhét“, có người cho là chỉ dạy kiến thức chứ ít „dạy làm người“ rồi lại có những chuyên gia phát biểu là „không có triết lý giáo dục rõ ràng“.
Là người quan tâm đến giáo dục từ vài chục năm nay, tôi cũng luôn trăn trở với những nhận xét trên. Tôi tìm hiểu và hỏi những đối tượng là phụ huynh, học sinh, sinh viên đại học, thậm chí cả cán bộ trẻ được giữ lại trường về nguyện vọng của học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Những câu trả lời mà tôi nhận được gần như giống nhau: Học giỏi, tốt nghiệp loại tốt để có thể kiếm được việc làm tốt, lương cao, không phải làm những nghề chân tay vất vả.
Nguyện vọng của họ rất chính đáng, nhưng chưa đủ. Họ mới mơ được là những chuyên gia, chứ ít người mơ trở thành một trí thức đúng nghĩa.
Theo tôi, „không có triết lý giáo dục rõ ràng“ là nguyên nhân chính. Vậy một nền giáo dục phải như thế nào thì mới là tiên tiến và nhân bản?
Có lẽ sẽ có rất nhiều ý kiến về các mô hình giáo dục trên thế giới. Trong khuôn khổ bài viết, tôi muốn giới thiệu thật ngắn gọn triết lý giáo dục của nước CHLB Đức, vì tôi đã sống ở đất nước này khá lâu và thường xuyên quan tâm đến giáo dục. Nước Đức là một trong những đất nước sản sinh ra nhiều nhà khoa học lớn cho nhân loại, nhiều người được nhận giải thưởng Nobel, trí tuệ của họ đã góp phần đáng kể để có nước Đức ngày nay.

Nhà trường Đức là nơi để trẻ em học kiến thức và những giá trị xã hội được quy định trong hiến pháp. Nhà trường hợp tác chặt chẽ với phụ huynh. Phụ huynh cũng hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc cùng nhà trường nuôi dạy trẻ để trở thành người toàn diện. Đầu năm học, phụ huynh nhận được những nội dung con họ sẽ học trong năm học đó, bao gồm cả chương trình đi dã ngoại, đi nước ngoài. Nhà trường rất hoan nghênh những trao đổi của phụ huynh về những chủ đề này.

Chương trình giáo dục phải làm sao để học sinh tăng tính tự lập, có trách nhiệm với chính bản thân và những người xung quanh. Ví dụ học sinh lớp một lớp hai phải mang chăn gối đến ngủ ở trường cùng các bạn khác một hai đêm để quen dần với việc xa mẹ. Từ lớp ba, lớp bốn học sinh đi dã ngoại nửa tuần, đi cùng cô giáo và vài phụ huynh đại diện, cách nhà với bán kính khoảng 50 km để tham quan trang trại, rừng, suối mà các em đã được học ở trường. Từ lớp 8 các em có những chương trình đi nước ngoài để so sánh với cuộc sống ở Đức. Ngay ở tuổi mẫu giáo, trẻ em phải tự đi giày, mặc áo khoác, thu dọn đồ chơi, ngã tự đứng dậy, tự ăn chứ bố mẹ không giúp.

Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tự do về tư tưởng, hướng suy nghĩ và hành động đến cái thiện, cởi mở khi tiếp xúc với người khác. Họ tạo cho các em có tính bao dung khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác, tôn giáo khác, quan niệm khác và thái độ chính trị khác. Từ lớp 6 các em được học kỹ văn hóa Đức, văn hóa Hồi giáo, Do thái giáo, Phật giáo để ra ngoài đường khi gặp những người đó các em đã được chuẩn bị để ứng xử đúng. Đó là nền tảng chung sống hòa bình với tất cả các nền văn hóa và coi mình là công dân của trái đất chứ không theo chủ nghĩa dân tộc.

Nhà trường dạy các em không được phân biệt đối xử và phải bình đẳng với những người khác nguồn gốc xuất thân, khác ngôn ngữ, lành lặn hay khuyết tật. Tính lịch sự trong quan hệ ứng xử được đề cao ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vì nếu không xã hội sẽ loạn. Khi gặp người khuyết tật (cơ thể hay trí tuệ) tuyệt đối không được thể hiện sự phân biệt mà phải đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ. Chẳng hạn đưa họ qua đường, giúp họ mua hàng, xách giúp đồ nặng.

Học sinh phải có khả năng tự cảm nhận và diễn đạt mạch lạc suy nghĩ của mình, hạn chế đánh giá theo những gì đã được nghe, được đọc. Nếu không có khả năng tự suy luận, dù được sử dụng tài liệu, bài kiểm tra của học sinh ở Đức cũng không được điểm cao. Ví dụ họ cũng dạy những sự kiện ở môn Lịch sử nhưng bài kiểm tra không mấy khi đòi hỏi học sinh trình bày sự kiện trong giáo khoa mà phải đánh giá sự kiện như một nhà sử học tí hon.

Học sinh phải tự biết tìm kiếm thông tin, tôn trọng ý kiến người khác, bảo vệ cái đúng, lên án cái sai. Ngay từ lớp bốn, học sinh phải tự chọn đề tài, chuẩn bị trước rồi trình bày trước lớp vài phút, trả lời câu hỏi của người nghe. Như vậy họ tạo cho trẻ tự tin khi nói trước đám đông và biết tập trung vào cốt lõi của vấn đề, nếu không sẽ không đủ thời gian. Những người cầm giấy đọc sẽ không được điểm cao, không được hoan nghênh. Thầy cô giáo không tuyên dương học sinh học giỏi và trách những học sinh yếu, vì như vậy học sinh kém hơn sẽ tự ti, nản, có thể bỏ học.

Học sinh phải tự xây dựng các mối quan hệ xã hội trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. Đồng thời họ phải sớm nhận ra nguy cơ căng thẳng trong các mối quan hệ đó, tìm cách giải quyết thông qua đối thoại. Tuyệt đối cấm chuyện tự xử, thấy không ổn phải báo cho thầy cô, báo cho người lớn hay người có trách nhiệm. Một xã hội mà việc tự xử xảy ra phổ biến là một xã hội bất ổn vì người dân không tin vào pháp chế.

Học sinh phải nhận ra mình có quyền gì, nghĩa vụ gì, đồng thời phải dũng cảm nhận lỗi, cho đó là sức mạnh chứ không phải yếu đuối. Họ nhấn mạnh nguyên tắc vàng trong ứng xử: Những gì bạn không muốn người khác làm phiền mình thì mình cũng đừng làm phiền người khác như thế. Khi người khác phản ứng thì nên tự hỏi, mình đã tôn trọng nguyên tắc vàng chưa?

Học sinh có trách nhiệm đóng góp vào việc tạo dựng một xã hội công bằng và tự do. Ví dụ học sinh lớp 10 được phép tham dự phiên tòa xử người vi phạm hình sự để thấy công cụ luật pháp được thực thi như thế nào (tất nhiên nhà trường phải đăng ký trước).

Giáo dục Đức yêu cầu đào tạo con người toàn diện nên không đặt nặng môn này coi nhẹ môn kia. Một số học sinh Việt Nam mới sang Đức giải toán rất nhanh trong khi các bạn Đức còn lúng túng và họ đã vội vã đánh giá trình độ giáo dục Đức. Ngược lại, nếu yêu cầu học sinh Việt Nam phải viết một bức thư phản bác chính sách bài ngoại chẳng hạn, hoặc có ý kiến đánh giá lợi hại khi nước Anh rời khỏi EU thì học sinh ta lại gặp khó khăn lớn.

Để kết thúc bài viết, tôi xin giới thiệu một bài học của học sinh lớp 6 tiểu bang Sachsen, môn Luân Lý để độc giả tham khảo.

Thất vọng quá có thể làm mất hướng cho tương lai

Stefan một mình trên đường về nhà với những giọt nước mắt lăn chảy trên gò má. Thỉnh thoảng em sợ hãi ngó quanh xem có ai biết mình đang khóc hay không. Em tự hỏi: „Tại sao mình không trở thành một cơn gió, để cuốn những người đã làm tổn thương đến danh dự mình, đã nhạo báng mình!”.
Câu chuyện xảy ra sáng nay: Ông giáo dạy toán rất nghiêm khắc. Ông biết Stefan yếu toán rồi mà rất hay gọi em lên bảng để giải bài trước lớp. Sáng nay ông lại bắt em lên để quy đồng mẫu số cho 3 phân số. Mấy ngày nay em có học gì đâu, nên luống cuống viết lung tung. Ông giáo không chịu được mắng luôn: „Em chỉ được cái giỏi nghịch ngợm thôi. Học sinh lớp 6 như em thì tôi không tưởng tượng được. Liệu sau này em làm được gì cho xã hội!”. Trong lớp đứa xì xào, đứa thì cười. Vừa lúc đó ông giáo tiếp: „Dốt như em thế này thì có ở lại lớp 3 lần vẫn không khá được đâu!”. Rồi ông chọn một học sinh giải được bài toán có quyền đánh vào mông Stefan 3 roi, ông thực hiện những gì ông đã thoả thuận với cả lớp trước đó.

Sau khi đọc xong, cô giáo đặt câu hỏi cho cả lớp:
– Đó là một câu chuyện xảy ra ở một trường cấp II gần 50 năm về trước. Theo em, bây giờ còn có những trường hợp tương tự không? Nếu em là Stefan, em sẽ phản ứng như thế nào?
– Em hãy thuật lại một trường hợp mà em cảm thấy mình bị lăng nhục, bị mất mặt trước nhiều người, hoặc trường hợp của một người khác mà em đã chứng kiến!
– Ví dụ câu chuyện trên xảy ra trong lớp em, các em sẽ phải làm gì để giúp Stefan và có ý kiến gì với thầy giáo kia?
Cô giáo sẽ lắng nghe tất cả những ý kiến của học sinh trong lớp. Buổi học trở thành buổi thảo luận về chống bạo lực học đường mà diễn giả là chính các em, chứ không phải những nhà lập pháp.
Trên đây là một số điểm phản ánh mục đích giáo dục của nước Đức, biết đâu ta có thể học được vài điều để sản phẩm giáo dục tốt hơn, toàn diện hơn.
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *