Điểm tin ngày 23.05.2020

Điểm tin ngày 23.05.2020

Tin trong nước:

1-Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Thủ tướng về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, trong quá trình thực hiện, tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận có một số sai phạm.

Cụ thể, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương     có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Đặc biệt, tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa xảy ra chuyện đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.

Với những sai sót trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

2-Ngày 22-5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này.

Tòa triệu tập nhiều nhân chứng và người liên quan, trong đó có phụ huynh hoặc người thân của các thí sinh (TS). Họ có những lời khai khó tin về việc tại sao con em của mình được nâng điểm.

“Bị cáo không biết, vậy số điểm đó từ trên trời rơi xuống phải không?” – chủ tọa truy vấn. Bị cáo  trả lời: “Vâng!” rồi về chỗ.

Sáng 23/5, Hội đồng xét xử tiếp tục phần đại diện Viện kiểm sát nhân dân hỏi bị can liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong phần xét hỏi bị can Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) phủ nhận toàn bộ lời khai và chỉ nhận lỗi nhỏ. Trần Xuân Yến khai có nhận thông tin 8 thí sinh từ ông Hoàng Tiến Đức – cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, bị cáo Trần Xuân Yến khẳng định sếp chỉ nhờ xem điểm thi chứ không phải nhờ nâng điểm.

3-Từ cuối tháng 3 đến nay, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa luôn trong tình trạng quá tải.

Do có quá nhiều người tới làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp trong cùng một ngày nên không tránh khỏi việc phải chờ đợi, có người thậm chí phải chờ từ 8 giờ đến đầu giờ chiều mới được giải quyết.

4- Mới đây, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây làm chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt.

Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Phạm Thu Diệu (SN 1991, trú tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa) người được cho là cầm đầu đường dây.

Hai đồng phạm của Diệu là Đào Mỹ Linh (SN 1993, trú tại phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Phú Đạt (SN 1995, trú tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình).

5-Khởi tố hai anh em là lãnh đạo quỹ tín dụng, “biển thủ” 22 tỷ đồng.

Ngày 23/5, thông tin từ công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Quang Đức (SN 1970, ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) là Chủ tịch Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân Vân Sơn, huyện Triệu Sơn và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Lan (SN 1984, em gái Đức) là Phó Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân Vân Sơn do vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng…

6-Ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Nam (cựu phó chánh án TAND quận 4, TP.HCM) và Lâm Hoàng Tùng (cựu giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM).

Trước đó, VKS từng trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề. Một trong yêu cầu đó là xác định có hay không việc bắt, giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản.

7-Biệt thự của đại gia Trầm Bê ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Biệt thự này được cho là lớn nhất Nam Bộ, được coi như một tòa lâu đài lộng lẫy với 5 tháp trên mái.

Tòa lâu đài này nằm trên khu đất rộng hơn 30ha, trong khuôn viên có rất nhiều cây cảnh, đặc biệt có hơn 1.000 cây tùng các loại được nhập từ Nhật Bản về, với nhiều cây có giá đến gần triệu đô.

8-Hơn 30 phụ huynh trường Quốc tế Úc (AIS) lần thứ hai mang băng rôn yêu cầu trường đối thoại về chính sách học phí nhưng bất thành, ngày 22/5. Họ tỏ ra bức xúc, một số nói sẽ chuyển nơi học cho con vì 3 tháng trường đóng cửa phòng chống Covid-19 nhưng vẫn tính các khoản thu, hoặc giảm không đáng kể.

9-Giải quyết tranh chấp, quyết toán hợp đồng EPC với các nhà thầu Trung Quốc đang là khó khăn lớn nhất khi xử lý các dự án thua lỗ ngành Công Thương. 

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, 5 dự án có tranh chấp, vướng mắc EPC. Đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

10-Quảng Bình: Ông Lê Chí Tấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Rền, và một thuộc cấp bị bắt với cáo buộc lập khống hồ sơ, chiếm đoạt 165 triệu đồng. Ngày 23/5, Công an Quảng Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam bốn tháng với ông Tấn (58 tuổi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ba Rền, huyện Quảng Ninh) và ông Bùi Minh Tuấn (36 tuổi, cán bộ kỹ thuật) cùng về tội Tham ô tài sản, theo điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.

11-Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bãi bỏ việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng số định danh cá nhân, theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.

Trình bày dự án Luật Cư trú (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật này thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang áp dụng công nghệ thông tin.

Cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của người dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

12- Theo tạp chí công nghệ The Verge, dòng chữ “Lắp ráp ở Việt Nam” đã xuất hiện trên một số sản phẩm tai nghe AirPods Pro của Apple, cho thấy công ty Mỹ đã chuyển sản xuất một phần sản phẩm này từ Trung Quốc sang Việt Nam.

13- Vội vã mua bảo hiểm xe máy, nhiều người dân đang gặp nguy cơ bị từ chối thẳng thừng việc bồi thường nếu xảy ra sự cố, ngay cả khi mua bảo hiểm chính hãng. Tại TP.HCM, hiện “phong trào” mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới vẫn “nóng”. Tiệm tạp hóa, tiệm photocopy, quán bún phở… cũng trưng biển “bán bảo hiểm xe máy”. Tuy nhiên, người mua bảo hiểm có thể bị từ chối bồi thường vì sơ suất nhỏ.

14- Ngày 22-5, đại diện Panasonic Việt Nam xác nhận kế hoạch đóng cửa nhà máy Panasonic Thái Lan và bắt đầu dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Panasonic Việt Nam, dự kiến từ tháng 9-2020. Theo đó, quá trình dịch chuyển này sẽ đưa việc sản xuất tủ lạnh công suất lớn và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan (PAPTH) về các nhà máy của Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN).

Cùng với đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Panasonic Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và phát triển sản phẩm. 

“Bước đầu, chúng tôi dự kiến sẽ vận hành dựa trên nhà máy và cơ sở vật chất hiện tại. Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, chúng tôi sẽ lên kế hoạch để mở rộng sau này”, đại diện Panasonic Việt Nam cho biết.

15-Ngày 22-5, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chi nhánh TP.HCM (AmCham Việt Nam TP.HCM) đã tặng hệ thống tách chiết Protein và Acid Nucleic tự động đến Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) để hỗ trợ TP ứng phó với đại dịch COVID-19 đang diễn ra và xây dựng năng lực ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Đây là máy KingFisher Flex từ Thermo Fisher Scientific (Mỹ). KingFisher Flex là một công cụ trích xuất tự động để bàn được sử dụng trong phòng thí nghiệm cho 24 hoặc 96 mẫu mỗi lần chạy. Nó có chiết xuất thông lượng cao phù hợp và tinh chế ADN, RNA, Protein và tế bào.

  • Ông Phillipp Roesler vừa được bầu làm thành viên HĐQT của Tập đoàn Lộc Trời, công ty nông nghiệp đang niêm yết trên sàn Upcom.

Đại hội cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời diễn ra ngày 23/5 đã thông qua nhiều quyết định thay đổi nhân sự quan trọng trong ban lãnh đạo công ty.

Tin quốc tế:

16-Một đường dây lừa đảo người Nigeria đã trộm hàng trăm triệu USD tiền trợ cấp thất nghiệp của bang Washington (Mỹ) dành cho những người đang chịu tác động vì COVID-19. Tờ Independent (Anh) cho biết những kẻ lừa đảo này đã dùng thông tin cá nhân bị rò rỉ của nhiều người để đăng ký đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

17-Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng cao tới mức kỷ lục kể từ thời kỳ đại suy thoái trước Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi khối tài sản của các tỉ phú Mỹ vẫn không ngừng tăng lên, đài RT bình luận.

Hơn 38,5 triệu người Mỹ mất việc trong hai tháng.

Tổng tài sản của các tỉ phú tăng 15% sau hai tháng.

18- Chiếc Airbus A320 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan (PIA), mang số hiệu PK 8303, chở 91 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn cất cánh từ Lahore. Máy bay mất liên lạc với trạm điều khiển không lưu vào khoảng 14h30 ngày 22/5, sau đó lao xuống khu dân cư tại thành phố Karachi, miền nam Pakistan.

Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là trục trặc kỹ thuật. Phát ngôn viên PIA Abdullah Khan cùng một số nhân chứng cho biết máy bay lượn nhiều vòng trước khi rơi xuống đất. Nhiều ngôi nhà bị mảnh vỡ đè sập hoặc gây hư hại, nhiều đám cháy bùng phát tại hiện trường vụ tai nạn. Lực lượng cứu hộ cho biết đã tìm thấy hơn 80 thi thể và đang tiếp tục tìm kiếm dưới đống đổ nát.

Trong bản ghi âm cuộc trao đổi cuối cùng, phi công Gul thông báo sẽ chuyển hướng sang trái để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Jinnah, nhưng sau đó thông báo “đã mất cả hai động cơ”. Nhân viên kiểm soát không lưu hướng dẫn phi công hạ cánh máy bay bằng bụng xuống đường băng 25, nhưng Gul ngay sau đó phát thông điệp khẩn cấp “Mayday, Mayday, Mayday”, rồi liên lạc bị chấm dứt đột ngột. 80 thi thể đã được tìm thấy, trong đó 17 người đã được nhận dạng. Giới chức địa phương lo ngại số người chết trong vụ tai nạn còn tăng do nhiều nạn nhân kẹt dưới đống đổ nát, trong khi công tác thu dọn hiện trường có thể mất hai tới ba ngày.

Ít nhất hai hành khách sống sót trong vụ tai nạn, trong đó có Zafar Masood, chủ tịch ngân hàng tỉnh Punjab. Nhiều trẻ nhỏ được nhân viên cứu hộ, binh sĩ và dân địa phương cứu thoát khỏi hiện trường vụ tai nạn.

19-Trung Quốc quen với ‘luật là của kẻ mạnh’ ở Biển Đông

Bắc Kinh chưa từ bỏ quan niệm luật là dành cho nước lớn, nên không chấp nhận phán quyết Biển Đông, theo chuyên gia Mỹ.

“Trung Quốc coi luật là công cụ của nước mạnh để kiểm soát các nước yếu hơn, chứ không nhìn nhận luật là cơ chế chung dành cho tất cả”, Giáo sư James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton, Trường Hải chiến Mỹ, nói trong thảo luận trực tuyến sáng 22/5.

Cuộc trao đổi về phán quyết Biển Đông do Diễn đàn Thái Bình Dương, Mỹ và Hội đồng Yokosuka chuyên về các vấn đề của châu Á – Thái Bình Dương (YCAPS) tổ chức. Theo Kraska, Trung Quốc khá lúng túng sau phán quyết do không quen với khái niệm luật lệ chung. Riêng ở Đông Á, Bắc Kinh từ lâu đã đóng vai trò chi phối, không xử lý quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng.

Kraska khẳng định hành động gần đây của Trung Quốc, tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Nam Sa và Tây Sa” thuộc “thành phố Tam Sa” hôm 18/4, là hành động trái luật. 

“Bắc Kinh đòi có thành phố lớn nhất thế giới, với diện tích lên đến hai triệu km2”, ông nói. Giáo sư người Mỹ cho rằng Trung Quốc nỗ lực kiểm soát Biển Đông vì muốn biến khu vực này thành vùng đệm, giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng ngang với Mỹ và giữ các nước láng giềng trong vòng kiểm soát của mình.

20-Trump ít nhất 15 lần tuyên bố nCoV sẽ biến mất, bất chấp thực tế Covid-19 vẫn lây lan khắp nước Mỹ khiến gần 100.000 người chết. 

“Nó sẽ biến mất kỳ diệu vào một ngày nào đó”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 27/2. Ông chủ Nhà Trắng sau đó nhiều lần nhắc lại điều này như một câu thần chú. Lần gần đây nhất ông nói nCoV sẽ biến mất là hôm 15/5. 

Bất chấp những dự đoán của Trump, nCoV vẫn chưa biến mất, mà tiếp tục lây lan nhanh khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 1,6 triệu ca nhiễm và hơn 96.000 ca tử vong. Đại dịch đã xuất hiện ở hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 5,2 triệu người nhiễm và gần 335.000 người chết trên toàn cầu.

21-Bắc Kinh đang tăng tốc giành vị trí lãnh đạo toàn cầu trong các ngành công nghệ chính, bằng cách bơm tiền thúc đẩy loạt sản phẩm mới.

Trong kế hoạch tổng thể do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trong sáu năm đến 2025 cho công nghệ. Theo đó, họ sẽ kêu gọi chính quyền thành phố và các đại gia công nghệ phát triển mạng 5G, lắp đặt camera, cảm biến và phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy xe tự lái và các nhà máy tự động hóa. Sáng kiến cơ sở hạ tầng công nghệ mới dự kiến được thực hiện chủ yếu bởi các công ty trong nước như Alibaba, Huawei hay SenseTime.

22-Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet ngày 22/5 cho thấy người dùng thuốc sốt rét có nguy cơ tử vong và các vấn đề về tim mạch cao hơn so với người không dùng.

Các chuyên gia về tim mạch và y sinh từ Mỹ và Thụy Sĩ tập hợp dữ liệu của hơn 96.000 bệnh nhân, 671 bệnh viện ở nhiều nước có sử dụng hydroxychloroquine, chloroquine hoặc kết hợp hai thuốc trên với một loại kháng sinh như macrolide, azithromycin hoặc clarithromycin. Trong số bệnh nhân, gần 15.000 người sử dụng thuốc và hơn 81.000 người không sử dụng, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 4.

Kết quả cho thấy những người được dùng hydroxychloroquine nguy cơ tử vong tăng 34% và nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng tăng 137%. Nếu kết hợp kháng sinh, nguy cơ tử vong tăng 45% và nguy cơ rối loạn nhịp tim tăng 411%.

Người dùng chloroquine có nguy cơ tử vong tăng 37%, nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng tăng 256%. Khi kết hợp kháng sinh, nguy cơ tử vong tăng 37% và nguy cơ rối loạn nhịp tim nghiêm trọng tăng 301%.

Các tác giả nghiên cứu trên nhấn mạnh họ chưa thể khẳng định liệu việc sử dụng thuốc này có mang lại hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 hay không.

23-Nga báo cáo 9.434 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 335.882, khiến nước này vượt Brazil thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới.

Trung tâm xử lý Khủng hoảng do nCoV thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) hôm nay ghi nhận 9.434 ca nhiễm và 139 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số lên lần lượt 335.882 và 3.388. Số ca tử vong mới giảm nhẹ so với hôm qua, ngày ghi nhận mức tăng kỷ lục 150.

Với số liệu này, Nga vượt qua Brazil, quốc gia ghi nhận 330.890 ca nhiễm và 21.048 ca tử vong, trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

24-Lãnh đạo Triều Tiên có thể đang lưu lại khu nghỉ dưỡng ven biển Wonsan, chưa trở về thủ đô Bình Nhưỡng sau khi tái xuất hôm 1/5.

Các nguồn tin ngoại giao giấu tên hé lộ thông tin với Kyodo hôm 22/5. Chưa rõ lý do Kim Jong-un ở lại khu nghỉ dưỡng Wonsan. Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc hôm 22/5 đưa tin ông Kim đã đến thăm các địa điểm quân sự trong thời gian ở Wonsan, thêm rằng dựa vào quan sát vẻ bề ngoài, không có dấu hiệu cho thấy ông bị bệnh.

25-Luật an ninh do quốc hội Trung Quốc thông qua có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống tư pháp, truyền thông và vị thế thương mại của Hong Kong.

Nửa triệu dân Hong Kong hồi năm 2003 xuống đường biểu tình phản đối việc chính quyền đặc khu đề xuất dự luật an ninh theo Điều 23 trong Luật Cơ bản. Điều 23 quy định đặc khu Hong Kong được tự ban hành luật an ninh riêng để cấm các hành vi làm phản, ly khai, xúi giục, nổi loạn hoặc lật đổ.

Phản ứng dữ dội của người dân buộc trưởng đặc khu Hong Kong khi đó là Đổng Kiến Hoa phải tuyên bố gác lại dự luật do “không hội đủ sự ủng hộ”.

26-Các quan chức chính quyền Trump xem xét khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 28 năm để cảnh báo Nga và Trung Quốc.

Washington Post hôm nay dẫn tin từ các quan chức cấp cao chính quyền Trump, cho hay đại diện các cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ hôm 15/5 thảo luận có nên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992 hay không.

Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Mỹ cáo buộc một số quốc gia như Nga và Trung Quốc triển khai các vụ thử hạt nhân công suất thấp, nhưng không nêu bằng chứng cụ thể và hai quốc gia bác bỏ thông tin. Kịch bản Mỹ nối lại thử hạt nhân được đánh giá sẽ tác động sâu rộng đến mối quan hệ giữa Washington với các cường quốc hạt nhân và đảo ngược lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ liên quan các vụ thử nghiệm tương tự.

27-Khi các trường học Nhật Bản đóng cửa vì Covid-19, nhiều chuyên gia đề xuất lùi lịch khai giảng năm học mới từ tháng 4 sang tháng 9 để quốc tế hóa giáo dục.

Kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia cao cấp, trong đó có Thống đốc Tokyo Yuriko Koike. Nhóm ủng hộ lập luận khai giảng tháng 9 sẽ tạo điều kiện cho học sinh quốc tế đến Nhật Bản và học sinh Nhật Bản du học nước ngoài.

Số lượng du học sinh Nhật Bản đã sụt giảm từ năm 2014. Một trong những lý do là chênh lệch thời gian học tập. Hầu hết công ty Nhật Bản tuyển dụng vào tháng 4, nhưng du học sinh thường tốt nghiệp vào cuối tháng 6. Những người này không kịp tham gia ứng tuyển, từ đó có thể mất cơ hội việc làm khi quay về nước.

28-Elon Musk phải đối mặt với hàng loạt rào cản về kiểm duyệt khi muốn cung cấp Internet vệ tinh tại quốc gia đông dân nhất.

Elon Musk kỳ vọng trước năm 2021, dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX có tên Starlink sẽ được sử dụng trên thế giới. Công ty này đang cố gắng thúc đẩy tiến độ để đạt tham vọng. Từ khi dự án được khởi động vào tháng 5/2019, SpaceX đã bảy lần phóng 422 vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, tạo ra “chòm sao vệ tinh Internet lớn nhất thế giới”.

Nhưng ngay cả khi hướng đến những người khó có khả năng tiếp cận với Internet tốc độ cao, dịch vụ Starlink vẫn có nguy cơ bị quốc gia đông dân nhất “khoá cửa” làm khó. Trung Quốc là nơi có môi trường Internet bị kiểm soát ngặt nghèo nhất thế giới.

29-Hà Lan: Một phụ nữ Hà Lan sẽ bị phạt 50 euro mỗi ngày nếu không gỡ hình ảnh của cháu mình ra khỏi Facebook. Ở châu Âu tồn tại luật bảo vệ dữ liệu (GBPR). Bình thường, GDPR sẽ không áp dụng cho việc lưu trữ thông tin cá nhân của gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bà đã đăng những bức ảnh của cháu mình lên mạng xã hội mà không được sự cho phép của mẹ bọn trẻ. Người con đã kiện bà ra toà sau nhiều lần yêu cầu gỡ các hình ảnh này mà không được.

30-Gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc Huawei đang đối mặt với thách thức sống còn chưa từng có kể từ khi thành lập. Khả năng cao Huawei sẽ quay về thị trường Trung Quốc, nơi một cửa sống vừa được hé mở. Theo tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản ngày 22-5, Tập đoàn sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc đã nhận được hàng tỉ USD cùng yêu cầu tập trung phát triển và sản xuất chip cho Huawei sau khi TSMC của Đài Loan quay lưng với tập đoàn Trung Quốc.

31-Hầu hết người dân ở thành phố 12 triệu dân Sao Paulo phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh Brazil lần lượt vượt qua các quốc gia châu Âu, trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Hệ thống y tế của Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, có nguy cơ sụp đổ trong bối cảnh hầu hết người dân ở nơi này không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Bruno Covas, thị trưởng Sao Paulo, cảnh báo hệ thống bệnh viện công của thành phố đã đạt 90% công suất và sẽ quá tải trong vòng 2 tuần nữa nếu tình hình vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Theo Hãng tin AFP, tuần này Brazil trở thành điểm nóng mới nhất của đại dịch COVID-19 khi số người chết vì corona ở đây đã vượt qua 20.000 ca.

Với tổng số 330.890 ca bệnh COVID-19, quốc gia lớn tại khu vực Mỹ Latin này đang là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ là nước đang đứng đầu về số ca bệnh (1.644.848) cũng như số người chết (23.951).

Chỉ mới một ngày trước đó Brazil vẫn còn đứng thứ 3 sau Mỹ và Nga (hiện có 326.448 người nhiễm bệnh và 8.894 người chết theo số liệu của Worldometers lúc 7h00 sáng nay.

“Nam Mỹ đã trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh”, giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, nói.

“Rõ ràng vẫn còn nỗi lo ở nhiều quốc gia khác, nhưng lúc này nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là Brazil”, ông Mike Ryan tiếp.

Cho đến nay, Sao Paulo là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19, với hơn 3.000 ca tử vong.

32- Theo bản dự thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập các cơ quan an ninh tại đặc khu này “khi cần thiết”.Hôm 22-5 – ngày khai mạc kỳ họp thứ 3 khóa XIII của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC, tức Quốc hội) Trung Quốc, một bản dự thảo “Quyết định về thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lý cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong để đảm bảo an ninh quốc gia” đã được trình lên NPC để thảo luận.
Bản dự thảo gồm 7 điều. Trong đó đáng chú ý tại điều 4, có một nội dung: “Khi cần thiết, các tổ chức an ninh quốc gia liên quan của chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ thiết lập các cơ quan tại đặc khu hành chính Hong Kong để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan nhằm bảo vệ an ninh quốc gia phù hợp với luật”.

33-Mỹ đang đưa ra những tín hiệu rất mạnh mẽ ở Biển Đông. Trong khi đó, có vẻ chiến thuật của Trung Quốc lấy thận trọng làm gốc, duy trì khai thác sức mạnh kinh tế và quân sự ngấm ngầm xây dựng lâu nay. Gần hai tháng kể từ lúc phải “nghỉ ngơi” vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã quay lại.

Hải quân Mỹ thông báo con tàu chạy năng lượng hạt nhân lớp Nimitz này đã rời căn cứ ở Guam và tiến vào biển Philippines vào ngày 21-5 để thực hiện hoạt động kiểm tra khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay.

Sự trở lại của USS Theodore Roosevelt cũng thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, đặc biệt ở Biển Đông.

Có thể nói đây là sự hiện diện mang tính biểu tượng, khi Mỹ thời gian qua liên tục tố Trung Quốc lợi dụng COVID-19 và sự suy yếu vì dịch của hải quân Mỹ để đẩy mạnh các hoạt động quyết đoán ở Biển Đông.

34-Hoàn Cầu thời báo nói 18 quả ngư lôi Đài Loan vừa mua của Mỹ không chỉ mắc gấp 3 lần bình thường mà còn chẳng thay đổi được cục diện gì nếu nổ ra chiến sự giữa Đài Bắc và đại lục. Thông tin Mỹ bán 18 ngư lôi MK-48 Mod6 cho Đài Loan đã chọc giận Trung Quốc trong ngày 21-5. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ gây bất ổn khu vực, đồng thời yêu cầu Washington hủy bỏ hợp đồng vũ khí trị giá 180 triệu USD với Đài Loan.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cười chê rằng 18 quả ngư lôi mà giá 180 triệu USD thì chỉ có khả năng Đài Loan mua bị hố dù theo Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ, hợp đồng trên đi kèm với các dịch vụ khác.

Giá “bình thường” của loại ngư lôi này, theo Hoàn Cầu thời báo, chỉ khoảng 3,5 triệu USD/quả. “Tính luôn các dịch vụ và thiết bị liên quan cũng không mắc như vậy. Rõ ràng Đài Loan đang trả thêm tiền bảo kê cho Mỹ, còn các công ty vũ khí Mỹ thì tha hồ thu lợi từ hợp đồng này”, Hoàn Cầu thời báo lập luận.

35-Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ khuyến khích người dân Đài Loan phản đối việc đòi độc lập và thúc đẩy thống nhất với Trung Quốc, một động thái có thể làm xấu hơn nữa mối quan hệ của Bắc Kinh với Đài Bắc. Trung Quốc xem Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm và quan trọng nhất, cũng như chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giữ hòn đảo này dưới tầm kiểm soát, theo Reuters.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 20-5 vừa rồi phát biểu tại Đài Bắc trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2, rằng Đài Loan không chấp nhận trở thành một phần của Trung Quốc theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh.

36-Dưới sức ép của các nghị sĩ cùng đảng, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải thuận tình giảm dần các dự án tham gia phát triển mạng 5G của Công ty Huawei tại Anh. Theo báo Guardian, “đầu hàng” trước sức ép của các nhà lập pháp trong cùng Đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson sẽ giảm dần các hoạt động tham gia phát triển mạng 5G tại Anh của Huawei xuống tới mức không còn gì vào năm 2023.

Tờ Telegraph, một báo khác của Anh, cho biết ông Johnson đã yêu cầu các quan chức liên quan lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình cắt giảm hoạt động này với Huawei.

Sự nhượng bộ của thủ tướng được cho là nhằm giúp ông tránh khỏi tình thế có thể sẽ là một thất bại đáng xấu hổ khi đề xuất hiện có của ông (trong đó nêu kiến nghị giảm thị phần hoạt động của Huawei xuống còn 35% tại Anh) sẽ được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện Anh.

37-Ngay cả khi phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội, theo trang American Military News, nhiều tập đoàn quốc phòng vẫn tiếp tục phỏng vấn nhân sự trực tuyến qua ứng dụng chat video và các công nghệ hỗ trợ khác. Hàng ngàn nhân sự đã được tuyển dụng ngay trong mùa dịch để có đủ nhân sự cho những dự án an ninh quốc gia mà các lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn muốn triển khai đúng tiến độ bất chấp virus corona.

“Chúng tôi nhận ra việc tạo công ăn việc làm trong giai đoạn kinh tế suy thoái này vô cùng quan trọng” – bà Marillyn Hewson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của Lockheed Martin, tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới, chia sẻ trong cuộc họp công bố thu nhập quý của công ty này tháng trước.

Kể từ tháng 3 tới nay, Lockheed đã tuyển hơn 2.365 nhân viên mới. Hiện tại họ vẫn “đang tiếp tục tuyển dụng hơn 4.600 vị trí nữa” tại 39 bang và thủ đô Washington, theo như thông cáo phát đi cuối tuần qua của Lockheed.

38-Washington ngày 22-5 cáo buộc Bắc Kinh làm khó không cho các hãng hàng không Mỹ quay lại hoạt động, đồng thời yêu cầu 4 hãng hàng không Trung Quốc nộp lịch trình bay cho chính phủ Mỹ.

Theo Reuters, phía Mỹ đã dừng áp đặt lệnh giới hạn đối với các hãng hàng không Trung Quốc nhưng cho biết đàm phán cùng Bắc Kinh vẫn chưa thể đi đến thống nhất.

Bộ Giao thông Mỹ (USDOT) hồi đầu tuần này đã hoãn một vài chuyến bay thuê bao của Trung Quốc vì không tuân thủ các yêu cầu thông báo, cũng như đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc cho phép các hãng hàng không thương mại của Mỹ hoạt động trở lại tại đây.

Trong thông báo mới được đăng trên trang web chính phủ Mỹ, USDOT cho biết 2 hãng Delta Air Lines và United Airlines muốn mở lại các chuyến bay tới Trung Quốc vào tháng 6. Trong khi đó, các hãng bay Trung Quốc vẫn duy trì chuyến bay tới Mỹ ngay cả trong đại dịch COVID-19.

USDOT yêu cầu các hãng Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Hainan Airlines Holding và các công ty con của 4 hãng này này phải nộp lịch trình và một số thông tin khác của các chuyến bay từ ngày 27-5. 

Cơ quan phụ trách giao thông Mỹ cảnh báo các hãng hàng không Trung Quốc có thể chịu cáo buộc “làm trái luật hiện hành hoặc ảnh hưởng xấu đến lợi ích công cộng” nếu không tuân thủ.

39-Hãng cho thuê ô tô HERTZ  có trụ sở chính ở Mỹ đã đăng kí phá sản vì trong thời gian có dịch Corona, doanh thu đã xuống thấp đến mức thảm hại. Hãng này cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức để lập ra một hãng khác. Hiện tại hãng này vẫn còn tài sản trên một tỉ US ( khoảng 920 triệu €) để cho hãng có thể tiếp tục hoạt động được. Mọi sự hợp tác với các hãng cho thuê ô tô ở châu Âu, châu Úc và Tân Tây-Lan không bị ảnh hưởng gi đến đơn xin phá sản của Hertz. Hertz cũng trình bầy là khi dịch Corona bùng nổ đã thực hiện các biện pháp như đã cho 20.000 người ( gần một nửa số công nhân viên)  tạm thời nghỉ việc hoặc thất nghiệp nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế.

40-Khủng hoảng đã làm cho nền kinh tế của Mỹ cũng lao đao. Mới tuần trước đây thôi, tập đoàn các cửa hàng bách hóa J.C. Penney có 118 năm tuổi cũng đã phải tuyên bố phá sản. Sau khi tập đoàn buôn bán Neiman Marcus và J.Crew thông báo phá sản thi cho đến nay Penney là tập đoàn lớn nhất bị phá sản. Từ khi dich Corona bùng nổ vào tháng ba cho đến nay, ở Mỹ ít nhất cũng đã có 38 triệu nguòi có những quãng thời gian thất nghiêp, một con số lớn chưa từng có trong một thời gian ngắn như vậy.

41-Dự kiến giảm giá cho khách hàng mua ô tô ở Đức càng ngày càng cụ thể hơn. Thí dụ ai mua ô tô chạy điện dự kiến sẽ giảm cho đến 4000€/chiếc, chạy xăng hoặc dầu giảm cho đến 3000€/chiếc.

42-Các ca nhiễm mới ở Đức đã giảm rất mạnh. Theo thông báo của RKI thì nhiều vùng trên toàn nước Đức đã không có một ca nhiễm mới nào. Cụ thể là trong 7 ngày liền, trong 167 huyện lị và thành phố mỗi ngày chỉ có 5 ca nhiễm trên 100.000 người dân. Tại 59 huyện lị, tỉ số R đã giảm xuống dưới 1, tại 85 huyện lị và thành phố, trong 7 ngày liền không có một ca nhiễm mới nào. Tóm lại là trong 7 ngày vừa qua, trên tòan nước Đức không có huyện lị và thành phố nào vượt quá giới hạn quy định là 50 ca nhiễm mới trên 100.000 người dân.

43-Dịch Corona tại Đức trong 24 giờ qua:

Số người bị nhiễm mới: 638

Tổng số người bị nhiễm: 177.850

Số ca tử vong mới: 42

Tổng số ca tử vong: 8216

Số người đã hồi phục: 159.900  (nhiều hơn 800 người so với ngày hôm trước)

Số ngươi hiện tai đang bị nhiễm: 9700 ( sau khi trừ khi số người đã hồi phục và số người chết)

44- Kể từ ngày 06.06.2020, Thüringen là bang đầu tiên sẽ bãi bỏ các biện pháp phòng dich Corona như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc chỉ còn là chuyện quá khứ, thủ hiến bang, ông Bodo Ramelow tuyên bố với báo giới  như vậy. Cũng từ 06.06, các nhà trẻ và trường học ở bang này sẽ trở lại hoạt động như thường lệ.

45-Tỉ lệ người nghiễm ở Áo đã nằm dưới con số 750 người. Nếu như trong  tuần tới đây mà số người bị nhiễm mới không đáng kể thì Áo sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống đời thường như trước đây.Hiện nay toàn nước Áo chỉ còn 748 người bị nhiễm. Áo sẽ rất vui mừng lại được đón khách du lịch.

46-Pháp quyết định cách lí 14 ngày tại gia đối với những hành khách từ các nước EU nhập cảnh vào Pháp. Trước đó Tây ban Nha và Anh đã ra quyết định hạn chế nhập cảnh để làm dịu tình hình dịch bệnh.

47-Lần đầu tiên số người ở Mỹ bị nhiễm đã giảm nhưng hiện tại vẫn có hơn 1,6 tiệu người nhiễm bệnh và 96.000 ca tử vong. Theo thông báo của đại học Hopkin thì số người hồi phục từ 298.000 đã tăng lên 350.135 người.

48-Trung Quốc hạn chế rất mạnh các chuyến bay quốc tế đến tháng 10 năm 2020, Các chuyến bay nội đia đã hoạt động trở lại bằng nửa công xuất trước đây.

49- Khoảng hơn 40 địa điểm đăng ký biểu tình tại Berlin vào thứ Bảy (Trước cửa nhà Quốc hội Đức, Alexanderplatz, Rosa-Luxemburg-Platz, Berliner Dom, Frankfurter Allee): chống lại các yêu cầu cách ly corona, cuộc biểu tình mang nội dung “Biểu tình vệ sinh” và chống phân biệt chủng tộc tại Alexanderplatz, chống lại quyền lợi và tự do hội họp. Vào buổi trưa, cuộc biểu tình đầu tiên đã phải giải tán do không thực hiện được các luật giãn cách. 1.100 cảnh sát tham gia kiểm soát và ngăn chặn các cuộc biểu tình phạm luật. 60 người tạm thời bị bắt.

Đảng AFD dự định kêu gọi 5.000 người tham gia biểu tình vào trưa ngày hôm nay ở đường phố 17. Juni- Berlin, nhưng cuối cùng đã bị cảnh sát dùng loa khuyến cáo bắt buộc giải tán, cũng do không đảm bảo giãn cách an toàn.

50- Hiện tại con số nhiễm bệnh tại Berlin là 6611, 190 ca tử vong, 6018 người khỏi bệnh.

51- Báo NTV đưa tin 6 người nhưng SWR3 lại đưa là 7 người khách sau khi ăn ở nhà hàng ở Leer đã bị dương tính sau khi làm xét nghiệm Corona..

52-Nhà nước Đức muốn thoát nhanh ra khỏi hãng Lufthansa.

Lúc đầu thì  chính phủ Đức cố gắng vào cuộc  thật nhanh,bây giờ lại muốn thoát ra nhanh như có thể. Bộ trưởng kinh tế Đức, Peter Altmaier khẳng định rằng việc nhà nước muốn tham gia cùng điều hành chỉ là ý định tạm thời, sau đó nhà nước sẽ rút ra ngay để cho tập đoàn này tự quản. Nhiều khi nhà nước phải áp dụng biện pháp này để cứu vãn được sự sụp đổ của những hãng lớn có uy tín trong chính sách đối nội và dối ngoại. Hãng hàng không Lufthansa là một hãng có truyền thống lâu đời và mạnh về tiềm lực,  mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Corona nên cũng sa vào cảnh khó khăn nhưng chưa nợ nần gì. „ Tôi chưa tính đến chuyện phải đưa hãng Lufthansa cùng với đội ngũ công nhân viên của mình đến bờ phá sản“, ông bộ trưởng tuyên bố như vậy.

53-Hôm qua, trong số những người đi lễ nhà thờ tại vùng Frankfurt am Main có 40 người bị nhiễm Coronavírus. Tổng số có bao nhiêu ngườii đi lễ thì chưa xác định được.

54-Khối Unionsfraktion (tiểu ban đảng CDU trong quốc hội) phản đối đề xuất của Bộ trưởng tài chính Đức, ông Olaf Scholz (đảng SPD) là cho mỗi đứa trẻ 300 € vì nhiều trường hợp sẽ trả không đúng chỗ. Bởi vậy nên kết hợp trả theo danh sách những bà mẹ được hưởng tiền phụ cấp cho trẻ em (Kindergeldzuschlag) mới hợp lí.

55-Tại Türkei: lệnh nghiêm cấm đi lại trong toàn quốc sẽ được thực thi vào giữa đêm hôm nay (theo giờ địa phương) nhằm giảm tối thiểu việc lây nhiễm Corona có thể nẩy sinh trong dịp lễ hội Bayram (về thăm gia đình) sẽ kéo dài đến tận đêm thứ ba tuần tới.

56-Bộ Thương mại Mỹ cho biết bổ sung 33 tập đoàn và tổ chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do giúp đỡ chính phủ Bắc Kinh hoặc liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo Reuters, Washington hôm 22/5 cho biết sẽ bổ sung 33 thực thể là các tập đoàn và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt kinh tế do giúp chính phủ Bắc Kinh tiến hành hoạt động gián điệp, hoặc có liên quan tới quân đội Trung Quốc và chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các tập đoàn và tổ chức bị trừng phạt “do đồng lõa trong các vụ vi phạm và lạm dụng quyền con người thuộc phạm vi chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng bức và giám sát công nghệ cao” của Bắc Kinh, thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết.

Cụ thể, 7 tập đoàn, bị trừng phạt do hỗ trợ Bắc Kinh tiến hành “giám sát công nghệ cao” với người dân trong nước. Trong khi đó, 24 tập đoàn, tổ chức chính phủ, và tổ chức kinh tế khác bị trừng phạt do hỗ trợ việc mua sắm các thiết bị được quân đội Trung Quốc sử dụng.

NetPosa, Qihoo360 và CloudMinds là những cái tên đáng chú ý mới bị đưa vào danh sách trừng phạt. Các tập đoàn nằm trong danh sách trừng phạt lần này tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện khuôn mặt, thị trường mà các công ty sản xuất chip của Mỹ như Nvidia Corp và Intel Corp tham gia đầu tư lớn.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết động thái trên giúp ngăn chặn các công ty và tổ chức Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ mà không có sự cho phép của Washington.

Trước đó, Washington từng có bước đi tương tự vào tháng 10/2019 khi Bộ Thương mại Mỹ đưa 28 tập đoàn và tổ chức nhà nước của Trung Quốc, trong đó có những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu như Hikvision, vào danh sách trừng phạt.

Mỹ cũng sử dụng các biện pháp trừng phạt tương tự nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của tập đoàn công nghệ Huawei, với lý do mà Washington tuyên bố là bảo vệ an ninh quốc gia. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã tìm cách ngăn chặn Huawei tiếp cận các nhà sản xuất chip của nước này.

57-Lãnh đạo cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc nói ông hiểu những chỉ trích về giai đoạn đầu bùng phát Covid-19 nhưng vẫn cho rằng Bắc Kinh đã ứng phó tốt.

“Với dịch quy mô lớn tại Trung Quốc và trên thế giới, việc đón nhận chỉ trích từ công chúng là điều bình thường”, Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), ngày 23/5 trả lời báo chí bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh.

“Chúng tôi khiêm tốn chấp nhận điều này”, ông chia sẻ.

58- Lãnh đạo cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc nói ông hiểu những chỉ trích về giai đoạn đầu bùng phát Covid-19 nhưng vẫn cho rằng Bắc Kinh đã ứng phó tốt.

“Với dịch quy mô lớn tại Trung Quốc và trên thế giới, việc đón nhận chỉ trích từ công chúng là điều bình thường”, Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), ngày 23/5 trả lời báo chí bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh.

“Chúng tôi khiêm tốn chấp nhận điều này”, ông chia sẻ.

 

Team Nachrichten Online VdV e.V.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *