Chính phủ Đức ban hành quyết định về gói hỗ trợ khổng lồ

Theo bản tin của „Tagesschau“ lúc 11.52 ngày hôm nay (23.03.2020) Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã ban hành quyết định về một gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ với mục đích hạn chế những hậu quả của khủng hoảng Corona.

Chính phủ dự kiến sẽ bổ sung 156 tỉ Euro cho ngân sách. Một phần của khoản bổ sung ngân sách này sẽ được sử dụng cho mục đích hỗ trợ những xí nghiệp nhỏ nhất. Ngoài ra nó còn được sử dụng cho việc bảo lãnh và hỗ trợ thanh khoản cũng như sự tham gia của nhà nước trong thời kỳ khủng hoảng. Ngày thứ tư tới (25.03.3030), Quốc hội sẽ bỏ phiếu thống nhất về quyết định gói tài trợ này và sau đó thứ sáu (27.03,2020) Hội đồng Liên bang sẽ phê chuẩn quyết định này.

Sau đây là một số câu hỏi và trả lời liên quan tối gói cứu trợ Corona này:

Tại sao chính phủ phải tiến hành những bước đi mạnh mẽ như vậy?

Cuộc chiến chống lại Coronavirus đã làm tê liệt đời sống công cộng. Cửa hàng phải đóng cửa, đường phố lạnh tanh, trường học và nhà trẻ đóng cửa, người lao động bắt buộc phải nghỉ phép, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ bị cô lập và bệnh viện lâm vào tình trạng báo động. Tình trạng này không thể duy trì được lâu nữa.

Kế hoạch đối với những công ty nhỏ như thế nào?

Những công ty nhỏ, những người hành nghề tự do, những người buôn bán lẻ có ít nhân viên, những người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật như nhạc sĩ, nhiếp ảnh, tạo mốt, những điều trị viên hoặc điều dưỡng viên … là những người hầu như không có điều kiện vay tín dụng thì có thể nhận được một khoản tài trợ cho 3 tháng với tổng số tiền từ 9.000 đến 15.000 Euro. Việc giải ngân cũng sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng và không quan liêu. Đương nhiên những người thuộc diện này phải khẳng định được rằng vì khủng hoảng Corona nên họ không có khả năng thanh toán.

Những người nhận được khoản hỗ trợ này không phải hoàn lại cho nhà nước. Họ chỉ phải ghi khoản tiền đó vào mục thu nhập khi khai thuế.
Tổng số tiền để tài trợ cho những đối tượng này dự kiến sẽ ở mức 50 tỉ Euro.

Những công ty tầm trung và tập đoàn lớn sẽ nhận được gì?

Chính phủ dự kiến thành lập một Quỹ ổn định kinh tế (WSF) và rót vào đó hàng 100 tỉ Euro. Quỹ này sẽ được khai thác phục vụ cho việc bảo lãnh của nhà nước đối với những khoản thanh toán, ngoài ra còn có một chương trình tín dụng không giới hạn thông qua Ngân hàng tái thiết (KfW). Những tập đoàn lớn ví dụ như Lufthansa trong trường hợp cần thiết cũng sẽ được cứu thông qua hình thức quốc hữu hóa.

Tất cả những biện pháp cứu trợ đó sẽ tốn kém như thế nào?

Trong năm nay Chính phủ liên bang sẽ phải vay nợ ở mức chưa từng có. Bộ tài chính dự tính chi phí cho những chương trình hỗ trợ này là 122,8 tỉ Euro trong năm 2020. Ngoài ra mức thất thu thuế sẽ ở khoảng 33,5 tỉ Euro. Vì vậy tổng số nợ mới có thể lên tới 156,3 tỉ Euro.

Nếu người thuê (gọi chung cho cả người thuê nhà hoặc cửa hàng) không có tiền trả thì sao?

Cấm không được hủy hợp đồng thuê nếu tình trạng thất thu về thu nhập dẫn đến việc người thuê không có tiền trả. Điều này trước mắt được áp dụng cho khoảng thời gian từ 01.04. 30.09.2020.

Biện pháp nào được áp dụng để ngăn ngừa tình trạng thất nghiệp hàng loạt?

Phương tiện đã thể hiện là có hiệu quả từ thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008/2009 là hình thức làm việc thời gian ngắn. Nếu ở doanh nghiệp không còn đủ việc để làm thì chủ doanh nghiệp có thể bố trí để nhân viên làm việc thời gian ngắn. Trong trường hợp này Sở lao động sẽ đảm nhận chi trả 60% lương, đối với những người lao động có con nhỏ sẽ là 67%. Doanh nghiệp sẽ được hoàn trả khoản đóng bảo hiểm xã hội. Việc thanh toán tiền lương vì làm việc thời gian ngắn được áp dụng nếu ít nhất 10% những người lao động trong doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng này. (Cho tới nay mức quy định là một phần ba).

Chính phủ dự đoán sẽ có khoảng 2,15 triệu trường hợp rơi vào tình trạng làm việc thời gian ngắn. Như vậy mức chi phí của nhà nước sẽ là 10,05 tỉ Euro.

Những biện pháp khác của Chính phủ?

Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức sẽ còn tiến hành một loạt những biện pháp khác, ví dụ như hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện ở mức hơn 3 tỉ Euro, thành lập thêm những Trung tâm xử lý dịch bệnh của liên bang, nới lỏng những quy định của Bộ luật phá sản, nới lỏng những quy định của Bộ luật lao động đối với một số ngành quan trọng.

Đại biểu Quốc hội thực hiện quy tắc giữ cự ly như thế nào.

Để ban hành quyết định về gọi cứu trợ này, Quốc hội vẫn phải đảm bảo quy định quá bán, nghĩa là tối thiểu 355 / 709 đại biểu Quốc hội phải có mặt để bỏ phiếu. Đại biểu Quốc hội cũng thực hiện đúng quy định về giữ cự li trong các kỳ họp Quốc hội.
Các kỳ họp của Hội đồng liên bang dự kiến sẽ chỉ tổ chức trong diện hẹp, nghĩa là mỗi một bang chỉ có một đại diện tham dự.

Có những ý kiến phê bình đối với những kế hoạch này không?

Có nhiều. Một điểm đạt được sự đồng thuận cao là Chính phủ cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ.

Còn có một số điểm gây tranh cãi:

– Khoản tiền tỉ dành cho ngành y tế như vậy là chưa đủ
– Khoản tiền lương trong thời gian làm việc ngắn đối với những người có thu nhập thấp như vậy là quá ít
– Nhiều cơ sở văn hóa ở khắp lãnh thổ liên bang đang bị đe dọa phá sản
– Nhiều người lo ngại về tình trạng của những người tàn tật, những người vô gia cư, những người nghèo và kể cả những người làm nghề mại dâm.

(Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch)

Nguồn: https://www.facebook.com/caulacbo.thangmuoi/posts/2677161125728627

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *