Chủ trương của Chính phủ Đức trong việc khống chế nạn dịch Coronavirus

Tại châu Âu, số lượng những người bị nhiễm Coronavirus ngày càng tăng. Biện pháp của CP Đức hiện nay là làm chậm tốc độ bùng phát của virus. Nếu trong cùng một thời gian, càng ít người bị nhiễm thì cơ hội để điều trị cho bệnh nhân càng cao hơn.
(Xem sơ đồ kèm theo).

Dưới đây là câu trả lời của Chính phủ Đức đối với một số câu hỏi chọn lọc.

1) Coronavirus được truyền qua đường nào? Tôi có thể tự bảo vệ mình như thế nào?

Coronavirus được truyền từ người sang người (không phải qua tiếp xúc với thú vật hoặc qua hàng hóa nhập khẩu). Phương thức tự vệ tốt nhất là: thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng, ho hoặc hắt xì hơi đúng cách và giữ cự ly với bệnh nhân, giảm bớt tiếp xúc bên ngoài xã hội.

2) Nhóm người nào đặc biệt có nguy cơ dễ bị lây nhiễm?

Những người cao tuổi, người nghiện thuốc là và người có tiền sử về bệnh có nguy cơ bị lây nhiễm nhiều nhất.

3) Nếu tôi nghi là mình bị lây nhiễm thì phải xử lý như thế nào?

Nếu bạn tiếp xúc với một người đã xác định là bị lây nhiễm (mặc dù bạn chưa có hiện tượng ho, sổ mũi, đau cổ và sốt) thì bạn hãy liên hệ ngay với Sở Y tế chủ quản. Sở Y tế sẽ thông qua ngân hàng dữ liệu của Viện Robert-Koch để xác định những chi tiết cần thiết. Bạn hãy ở nhà và tránh tiếp xúc. Nếu có hiện tượng ốm như nêu ở trên thì bạn hãy đến bác sĩ sau khi đã gọi điện thoại báo trước.

4) Nước Đức đã chuẩn bị những biện pháp gì để chống Coronavirus?

Nước Đức đã chuẩn bị chu đáo cho việc điều trị bệnh nhân lây nhiệm loại virus mới. Chính phủ đã thành lập Ban tham mưu chống khủng hoảng, Ban này thường xuyên nhóm họp. Mục tiêu là hạn chế và làm chậm quá trình bùng phát của virus. CP đã ban hành những biện pháp cần thiết ở phạm vi quốc gia và hợp tác với các nước EU.

5) Liệu ở Đức có thể xảy ra tình trạng khoanh vùng và cách ly cả một địa phương hay không?

Hiện tại CP Liên bang Đức chưa đề cập đến phương án này. Những bệnh nhân bị lây nhiễm ở Đức đang được điều trị cách ly, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đã cố gắng xác định được và cách ly tại gia. Ngoài ra những biện pháp đã được công bố ngày 16.3.2020 ví dụ như cấm những cuộc tụ họp và đóng cửa một số cửa hàng cũng nhằm mục đích hạn chế sự bùng phát.

6) Ở Đức có phải lo ngại việc thiếu lương thực, thực phẩm hay không?

Cho dù có mặt hàng này hoặc mặt hàng khác có lúc không còn trong các giá hàng ở siêu thị, song các chuỗi cung cấp hàng khẳng định rằng không có tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm. Các cửa hàng sẽ kịp thời bổ sung những mặt hàng đã hết.

(Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch)( nguồn: https://www.facebook.com/caulacbo.thangmuoi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *