Lần đầu tiên đi bán hàng

Lần đầu tiên tôi đi bán hàng….

Thời trước khi đổ tường và sau khi đổ tường, sinh viên vẫn nghèo như chẳng có gì phải bàn cãi.
Mặc dầu chả đứa nào lười, ngoài giờ lên giảng đường vẫn đi làm thêm các việc lao động chân tay, từ đào đường để người ta đặt ống thoát nước, làm công cho xưởng sản xuất bánh mỳ, rửa chai lọ v.v..

Phong trào may vá quần áo bò đã lỗi thời,học như chơi, thời gian có chả biết làm gì, mang tạ về tập, tay đứa nào cũng to như cái Phích nước , sinh viên điện ảnh biến thành sinh viên trường thể dục thể thao lúc nào không biết.

Hồi đó anh Thọ muối, Nguyễn Văn Thọ hay vào chơi với sinh viên tụi tôi, thấy thương tình, ảnh lôi tôi xuống đường…

Chúng mày phải xuống đường đi bán hàng, tìm hiểu cuộc sống của bà con lao động đi, làm nghệ thuật phải cọ sát và có vốn sống mới làm phim được.

Thế là theo anh đi bán hàng ngoài đường, nơi người Việt lập Chợ tạm. Bán cái gì cũng ra tiền. Nhưng dưới trời tuyết lạnh, âm nhiều độ.

Những người bán hàng phải mặc thật nhiều quần áo để chống lạnh, chân quấn báo, túi Nilon rồi mới đi vào giày mà chân vẫn buốt như bị đông thành đá. Nhiều người mặc nhiều quần áo quá, tay chân như người nộm, cứng đơ không cử động được, đường trơn đóng băng trượt ngã lăn như bi, không tài nào dứng dậy nổi.

Trên tay cốc cà phê luôn nóng, điếu thuốc trên môi như chưa bao giờ được phép tắt, họ lấy những đốm lửa nhỏ nhoi để có ảo giác được sưởi ấm cả cơ thể, mặc dầu hơi thở bốc khói còn đặc hơn cả khói thuốc.
Đứng một chỗ bán hàng, luôn phải cử động và di chuyển vì sợ đứng nguyên một chỗ sẽ bị đông cứng như các pho tượng ở các vườn hoa.
Tiền công của chú đây ! cứ cuối mỗi buổi bán hàng, anh lại chia cho tôi một số tiền nho nhỏ.
Cầm những đồng tiền nhỏ nhoi đầy vất vả ấy, thật đáng suy nghĩ. Họ như vậy đấy để tồn tại nơi đất khách quê người, chưa kể còn bị các nhóm Phát xít mới trỗi dậy, đánh đập, cướp hàng, miệt thị v.v…

Có mấy chú em đưa cho vài cây thuốc: Bán đi anh, đơn giản hơn, kiếm nhanh hơn… Nghe theo nó tôi mang ra bán và người khách đầu tiên là 1 thanh niên Đức được tôi mời chào .
Hắn nhìn tôi rồi giơ cái thẻ dồng ” Zoll Beamter” vào mặt tôi và hỏi : Mày biết tao là ai không ?
Tôi nhìn hắn: tao không cần biết mày là ai, có mua thì mua, không mua thì biến.

Hắn : Ơ cái thằng này dũng cảm nhỉ, mày có biết mày đang bán thuốc lậu, nếu bị bắt sẽ bị đuổi học và phạt rất nặng không ?.
Tôi : Ơ cái thằng thần kinh này, tại sao mày biết tao đi học ?

Mày nhìn xung quanh xem có thằng nào bán thuốc lậu mà ngu như mày không ?
Tôi nhìn xung quanh, hội bán thuốc có kinh nghiệm, nhìn thấy công an đã chạy từ lúc nào, mỗi mình tôi vẫn ngang nhiên coi chúng như cỏ rác.
Thế ra mình ngu thật, bán thuốc cũng không đơn giản nhỉ ?

Hắn : Quay về trường học đi, mày làm cái này không hợp đâu.
Tôi : Vậy tao không bán nữa, mang thuốc về hút vậy.
Hắn : No no ! để thuốc lại đây, bọn tao làm biên bản tịch thu. Lần này cho mày về, cảnh cáo nha.

Tôi : tao có phải cám ơn mày không?
Hắn: Ngố như mày thì lời cám ơn bằng thừa, cút nha.
Thế là cút cho nhanh thật và từ đó chả thuốc thang gì nữa.

Ngày nay khi những người Việt thế hệ trước đỡ vất vả hơn, nhưng nhiều người lao lực vì những thời gian bán sức lao động vất vả nhiều năm dưới thời tiết khắc nghiệt như vậy.

Vậy đó, để kiếm được đồng tiền cho cuộc sống, cho gia đình, họ phải trả giá nhiều khi bằng cả tính mạng. Không ngẫu nhiên mà họ có được cuộc sống tương đối an nhàn như hiện nay.

Mạnh Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *