ĐẠI DỊCH TRONG QUÁ KHỨ ĐÃ LÀM THAY ĐỔI CHÂU ÂU
Chúng ta đang sống trong những ngày căng thẳng khi đại dịch Corona đang hoành hành ở châu Âu. Bài viết này nhắc lại những lần đại dịch đã làm thay đổi xã hội, tín ngưỡng và cơ cấu chính trị của châu lục này. Tại sao người châu Âu cũng lo sợ nhưng khá bình thản trong khi nhiều nước rất hoang mang?
Thảm họa của những trận đại dịch bỏ xa hậu quả của các cuộc chiến tranh dã man nhất. Lần đầu tiên người châu Âu hứng dịch là từ năm 541 đến 544, bùng phát ở Ai Cập, lan sang châu Âu đã giết chết gần chục triệu người. Thành trì của đế quốc La Mã vững chãi và hùng mạnh bị chia đôi, Tây La Mã hoàn toàn sụp đổ. Chỉ còn Đông La Mã (thủ đô Konstantinopen – Istanbul ngày nay) tồn tại tiếp đến thế kỷ 14.
Đại dịch thứ hai kinh hoàng nhất ở châu Âu xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 14. Trong vòng 5 năm từ 1347 – 1352 khoảng ba mươi triệu người đã chết. Đó là gần một nửa dân số châu Âu lúc bấy giờ. Hồi đó khoa học còn phôi thai nên người ta chỉ biết cầu nguyện và cho rằng đất trời đã trừng phạt loài người, giống như Đại hồng thủy trong kinh thánh của Thiên chúa giáo.
Chết la liệt, chết không kịp chôn vì người sống sót để làm chuyện này rất ít. Hình ảnh bố mẹ khiêng xác con để bên vệ đường chờ người thu gom, chó đói ăn thịt những xác chết là những hình ảnh tượng trưng cho thảm họa này
Thành phố Lübeck miền bắc nước Đức chỉ còn 10% dân số sống sót. Vi trùng lây lan sang Đan Mạch rồi ra đảo Grönland (thuộc Đan Mạch) làm cho đảo này không còn một ai sống sót. Người ta gọi đại dịch kể trên là “Cái chết đen”, vì xác người chết xám đen lại và biểu tượng cho một thời kỳ thật đen tối ở châu Âu.
Đầu tiên người ta bị sốt, ho ra máu rồi sau đó nổi hạch toàn thân mưng mủ. Người ta đổi lỗi cho dân Do Thái thả thuốc độc xuống các giếng nước ăn với mục đích tiêu diệt Đạo Thiên Chúa. Điều đó tạo ra làn sóng tiễu trừ Do Thái khắp châu Âu, gặp đâu là giết không cần truy hỏi. Người Do Thái bị ghét bỏ hồi đó vì họ là lớp người buôn khôn khéo, cho vay nặng lãi và phần lớn giàu có nên bị ghen ăn tức ở (Hitler lên nắm quyền ở Đức thực hiện bài trừ Do Thái cũng một phần dựa trên lý thuyết này).
Sau này người ta mới biết nguyên nhân của “Cái chết đen” là từ vùng Trung Á lan qua bán đảo Krim ở Biển Đen rồi đến châu Âu (đầu tiên đến thành phố cảng Genua của Italia). Một số thương gia bị bệnh nặng đã chết ở cảng này, những người sống sót gói xác họ bí mật để lại chỗ kín của thành phố. Dịch bệnh lan dần sang Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đan Mạch.
Dịch bệnh đó đã để lại một châu Âu hoang tàn. Nhưng chính điều khốc liệt này là động lực thúc đẩy giới tinh hoa khởi xướng TRÀO LƯU PHỤC HƯNG, đưa chủ nghĩa nhân đạo làm nền tảng triết học của phương tây (mọi hành động đều hướng tới phục vụ con người). Từ đó châu Âu thoát dần thời Trung Cổ 1000 năm để đến với thời cận đại. Tìm ra châu Mỹ, phát minh ra la bàn, đầu máy hơi nước là những thành tựu khi con người được tự do.
Để giảm bớt nguy cơ lây lan, năm 1374 lần đầu tiên ở thành phố Venedig người ta ban bố luật quy định các thủy thủ phải cách ly 40 ngày rồi mới được giao dịch. Tiếng Italia là “quaranta” – 40 ngày, nên tiếng Đức hiện nay dùng khái niệm QUARANTÄNE cho việc cách ly.
Ngày nay người ta biết được nguyên nhân chính là loại vi trùng do chuột truyền sang cho bọ chó và sau đó lây cho người. Bác sĩ người Thụy Sĩ, Alexandre Yersin, phát hiện ra điều này vào năm 1894. Hồi đó điều kiện vệ sinh rất kém nên người sống chung với chuột, ruồi bọ là chuyện rất bình thường.
Đại dịch lần thứ ba xuất hiện cuối thế kỷ thứ 19 tại thành phố Yunnan Trung Quốc. Năm 1894 dịch lan đến hoành hành ở Quảng Châu và Hồng Kông, sau lan sang toàn châu Á và châu Mỹ. Đợt dịch này ít ảnh hưởng đến châu Âu vì họ đã biết được nguyên nhân gây bệnh nhờ công trình nghiên cứu của bác sĩ Yersin (chỉ chết 400 người trong tổng số 1700 người bị bệnh).
Trong những ngày này người châu Âu tuy có mua hàng nhiều hơn bình thường nhưng vẫn trật tự xếp hàng, không ai nói với ai, không kêu ca, không hoảng loạn. Có lẽ do dân trí cao và người ta tin vào chính quyền của họ và cố gắng đóng góp theo ý thức công dân. Hôm qua tôi chứng kiến có một cụ già khoảng trên 70 vì vội muốn trả tiền trước bị người đứng sau lưu ý phải xếp hàng. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đứng trước tôi vỗ vai cụ già kia và nói cụ đứng vào chỗ của cô ấy. Người phụ nữ này bình thản đẩy xe xuống cuối hàng chờ đến lượt. Chị nói: Hôm nay tôi có thời gian.
“Cái chết đen” kinh hoàng đã ngấm vào tiềm thức của người dân Đức. Chính vì thế người ta sẵn sàng hy sinh tiền bạc để bảo vệ môi trường. Người ta biết rằng, hôm nay anh lời về kinh tế một thì ngày mai anh phải chi gấp mười lần để tẩy rửa những gì anh đã gây ra. Vì không hiểu điều này nên một người Việt thay dầu nhớt cho ô tô đã đổ dầu cũ xuống cống. Bị người xung quanh phát hiện báo cảnh sát, anh này bị phạt 3000 Euro. Một bài học đắt giá về bảo vệ môi trường!
Hiện nay, Corona Virus đang tấn công châu Âu dữ dội. Không những nó giết người mà còn làm cho kinh tế, giáo dục, thể thao, chứng khoán, du lịch, giao thông tê liệt, tức là không một lĩnh vực nào của cuộc sống không bị ảnh hưởng. Không biết loại Virus thời toàn cầu hóa Corona có thể làm thay đổi cấu trúc chính trị và xã hội như đàn anh nó đã làm không? Tôi nghĩ những năm tháng tới chúng ta sẽ được chứng kiến những sự kiện mà trước đây không lâu không ai dám nghĩ đến.
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)( nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1068583550193596&id=100011258821919)