Hợp tác để cùng nhau phát triển
Hợp tác để cùng nhau phát triển-bài viết về cuộc họp chung của các hội đoàn ở Berlin.
Tối thứ sáu ngày 22.03.2012 tại trụ sở của Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg đã diễn ra cuộc họp chung của Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg với các hội đoàn trên địa bàn thành phố để cùng nhau thống nhất việc hợp tác giữa các hội đoàn và đưa ra những kế hoạch hành động chung cho năm công tác 2012.
Trước đó 2 tuần ông Cao Đức Hưng đã thay mặt BCH Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg gửi đến 22 hội đoàn đang tích cực hoạt cộng cho cộng đồng người Việt ở Berlin giấy mời và chương trình nghị sự của buổi họp chung này. Rất tiếc chỉ có đại diện của các hội đoàn sau đây đến tham dự:
- Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg gồm 6 người (ông chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 1 ủy viên BCH và 2 cán bộ chuyên trách)
- Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng do ông Nguyễn NgọcTấn đại diện.
- Hội đồng hương Thanh Hóa do ông Lê Xuân Đính đại diện.
- Hội đồng hương Hải Phòng do ông Hoàng Việt Dũng đại diện.
- Hội người Hà Nam Ninh do ông Lê Văn Huyên đại diện
- Hội người Hà Nội do ông Nguyễn Xuân Hùng đại diện.
- Hội đồng hương Nghệ An do ông Nguyễn Huy Tuấn đại diện.
- Hội đồng hương Kinh Bắc do ông Vũ Quốc Nam đại diện.
Đúng 19:15 giờ ông Cao Đức Hưng-chủ tịch Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg đã khai mạc cuộc họp, tóm tắt chương trình nghị sự và sau đó các đại biểu tham gia thảo luận rất tích cực và tập chung vào các điểm chính trong chương trình nghị sự sau:
1. Thiết lập một mạng lưới quan hệ qua lại giữa các hội đoàn với nhau nhằm kịp thời nắm bắt được thông tin về hoạt động của các hội đoàn để khi cần thiết có thể tương tác tương trợ hiệu quả hơn.
Về mục này các đại biểu đã cho ra rất nhiều ý kiến hay và đánh giá đúng tình hình hiện nay trong cộng đồng và mức độ trao đổi thông tin còn rất hạn chế mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại Internet và Thông tin. Ông Vũ Quốc Nam cho rằng dùng e-mail mới chỉ được ở mức một chiều từ các hội đoàn phát đi mà không có sự hồi âm, chưa có chiều ngược lại. Ông Cao Đức Hưng quan tâm đến vấn đề khi các hội đoàn nhận được thông tin thì chuyển tải những thông tin ấy đến với hội viên của họ như thế nào, vì từ trước đến nay vẫn theo thông lệ bằng đường qua những người quen biết nhau. Ông Lê Xuân Đính giới thiệu trang thoibao.de do ông Lê Trung Khoa và ông Đính cùng quản lý sẽ đăng tin miễn phí cho các hội đoàn và đề nghị các hội đoàn chuyển thông tin cần quảng bá đến Ban Biên Tập trang thoibao.de. Ông Đính còn đề nghị ông Hưng cử ra một người liên lạc thường xuyên với thoibao.de và nếu cần thiết có thể mời phóng viên Quỳnh Nga đến với các sự kiện để viết bài. Ông Nguyễn Xuân Hùng cho thêm ý kiến là các hội đoàn nên liên kết với nhau qua việc link (kết nối) các trang của các hội đoàn khác vào trang của mình, như vậy các hội viên của mình có điều kiện để xem chương trình và thông tin của các hội đoàn khác. Sau khi ông Hùng đưa ra ý kiến này thì các đại biểu đã có mặt đã ghi một danh sách tên trang miền của các hội đoàn. Danh sách này sẽ được gửi kèm theo đây.
2. Thống nhất phương thức hợp tác và hình thức giao tiếp giữa các hội đoàn với nhau.
Một thực tế là những năm gần đây có nhiều hội đồng hương được thành lập và tổ chức các sự kiện liên quan đến vùng miền của họ là chính. Sự liên kết các hội đoàn với nhau mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức chung nhau một vài sự kiện chính trong năm như Tết Nguyên Đán và Tết Trung thu. Năm nay Hội Văn Hóa có tổ chức chung với các hội đoàn khác ngày Quốc Tế Phụ Nữ (8.3) vào ngày 10.03.12 tại TT Thương Mại TBD ở Marzahnerstr. 17. Khi muốn tổ chức chung các sự kiện vẫn theo cách làm trước đây là thành lập một BTC chung do đại diện các hội đoàn tham gia. Các đại biểu cũng đã đưa ra rất nhiều ý kiến xây dựng cho điểm này. Ông Hoàng Việt Dũng, chủ tịch Hội người Hải Phòng cũng nêu ra một số việc mà các hội đoàn có thể hợp tác với Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg một cách hiệu quả vì sẽ tận dụng được tư cách pháp nhân và lực lượng chuyên trách cũng như những quan hệ với các cơ quan công quyền, các đối tác giàu kinh nghiệm trong công tác tư vấn xã hội và hỗ trợ hòa nhập của Hội người Việt nam. Mong Hội người Việt nam đứng ra đại diện để làm các việc cho thế hệ thứ hai, về điểm này ông Dũng nhắc đến việc kết hợp tổ chức đưa đón học sinh của Hải Phòng sang Đức và học sinh ở Đức về Hải Phòng của Hội người Hải Phòng và Hội người Việt nam đang tiến hành. Ông Nguyễn Ngọc Tấn cũng đã nêu ra các lần tổ chức chung của các hội đoàn ở Berlin từ mấy năm gần đây và đề nghị các chủ tịch hoặc phó chủ tịch tham gia vào BTC các sự kiện lớn. Ông Vũ Quốc Nam với tư cách là phó chủ tịch Hội người Việt nam đã từng là trưởng BTC các sự kiện quan trọng trong những năm qua. Ông Vũ Quốc Nam cũng nhấn mạnh ưu thế của Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg do có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động, do có lực lượng cán bộ và hội viên nắm vững tiếng Đức và chuyên môn để có thể liên hệ tốt với phía Đức, dịch thuật, tư vấn xã hội và tư vấn luật cho bà con nhằm tận dụng những chính sách của Đức trong việc cải thiện đời sống của cộng đồng. Đề nghị các hội đoàn nên tận dụng những cái Hội người Việt đang có để giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con trong hội của mình. Ông Nam cũng nêu rõ hiện nay có rất nhiều vấn đề trong cộng đồng người Việt cần được xử lý như: dạy tiếng Việt cho con em chúng ta, vấn đề người già, hưu trí, dưỡng lão, những vấn đề của chị em có con mang quốc tịch Đức (phần lớn là những người nuôi con một mình và có giấy phép lưu trú là do „ăn theo con“)… Nói về vấn đề thống nhất phương thức hoạt động chung và hình thức giao tiếp giữa các hội đoàn với nhau ông Nam nhấn mạnh việc tặng hoa lẫn nhau khi được mời tham dự những sự kiện là rất lãng phí, theo ông tính thì mỗi năm số tiền mua hoa của các hội đoàn tặng nhau lên đến con số khoảng 20 ngàn Euro, một số không nhỏ nên chi vào các hoạt động hữu ích khác thì tốt hơn. Về điểm này thì ông Dũng và ông Đính có chung quan điểm là vẫn nên tặng hoa nhau, còn ông Hưng thì tán thành quan điểm với ý kiến của ông Nam. Ông Chu Tiến Tăng, phó chủ tịch Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg phát biểu ý kiến về việc cử người đại diện đi tham dự các sự kiện của các hội đoàn khác khi có giấy mời không nhất thiết phải là người trong BCH Hội vì người trong BCH chủ yếu là danh dự, còn các cán bộ chuyên trách mới là những người nắm vững tình hình và trực tiếp giải quyết các công việc nên họ thay mặt BCH đi là đúng chứ không phải là coi thường lời mời của các hội đoàn. Khi không có ai tham dự được thì có thể gửi thư chúc mừng. Đây là quan điểm làm việc của Hội người Việt nam từ trước đến nay, nhân dịp này nhắc lại để lãnh đạo các hội đoàn biết và thông cảm. Ông Hưng chủ tịch và ông Tăng phó chủ tịch đều nhấn mạnh mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các hội đoàn trong các dịp lễ hội và các công việc chung của cộng đồng. Nhân dịp này ông Hưng và ông Tăng cũng đã nêu ra những thiếu sót của Hội người Việt nam trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội tổ chức ngày 28.01.2012 vừa qua. Hai ông thay mặt BCH và Hội xin lỗi các hội đoàn vì đã có những thiếu sót trong khi tổ chức và tiến hành buổi lễ lớn như vậy và ông Hưng nhấn mạnh đây là một điểm yếu của Hội người Việt mà để khắc phục phải học hỏi kinh nghiệm của các hội đoàn khác vì họ thường xuyên tổ chức những buổi liên hoan lớn. Ngoài ra ông Tăng cũng nêu lên mục đích tôn chỉ của Hội người Việt là giúp bà con trong cộng đồng hòa nhập tốt hơn vào xã hội Đức, nơi họ đã chọn làm quê hương thứ hai của mình, cụ thể là giúp họ giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và làm mọi việc nhằm nâng cao dân trí trong cộng đồng. Mong muốn của BCH Hội là mở rộng quan hệ với các hội đoàn nhờ họ làm cầu nối đưa người có nhu cầu đến với Hội để giúp họ giải quyết các vấn đề mà bản thân họ tự mình không giải quyết được. Ông Dũng cũng nêu ý kiến là cần phải hiểu rõ thói quen làm việc với phía Đức của Hội người Việt để xóa bỏ hiểu lầm lẫn nhau và tìm ra tiếng nói chung. Ông Dũng cũng đánh giá việc hướng về quê hương của các hội đoàn là một điều đáng mừng và Hội người Việt cũng có những đóng góp nhất định trong việc này. Ông Nguyễn Xuân Hùng, chủ tịch Hội người Hà nội cho rằng điều quan trọng là sự hiểu biết lẫn nhau và thông qua tổ chức Hội người Việt tạo nên mạng lưới quan hệ thường xuyên có thông tin qua lại với nhau, còn mỗi hội đoàn đều có những đặc thù riêng, có những hoạt động độc lập của mình. Mục đích là làm sao có được sự kết hợp hoàn hảo trong những công việc chung. Ông Hùng nêu ra các việc cụ thể như liên kết ngay các trang Web với nhau, quảng bá tuyên truyền các hoạt động của các hội đoàn và tranh thủ sự ủng hộ của trang thoibao.de và ông cũng nói thêm là BCH của các hội đoàn khác cũng chỉ là danh dự, nhưng họ vẫn làm công việc đại diện cho hội đoàn của họ trong những lần giao tiếp với các hội đoàn khác.
3. Cùng nhau vạch ra các hướng chính cho sự hợp tác trong thời gian tới.
Về điểm này ông Hùng cũng nhấn mạnh là chỉ nên làm chung 2 sự kiện thôi, đó là tổ chức liên hoan Ngày 08.03 và Tết Trung Thu, còn Tết Nguyên Đán thì hội đoàn nào cũng tổ chức rồi. Các đại biểu tham gia đều nhất trí như vậy và ông Lê Văn Huyên đại diện cho Hội người Hà Nam Ninh đưa ra ý kiến các hội đoàn phải cử người chuyên trách vào Ban Tổ Chức các sự kiện chung và người đó phải tham gia từ đầu khi có kế hoạch tổ chức đến khi kết thúc sự kiện, vì như vậy người đó mới nắm vững được tình hình và các việc cụ thể cần làm, tránh việc mỗi lần họp lại cử một người khác đi thay.
4. Ngoài 3 nội dung chính trong chương trình nghị sự trên Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg còn thông báo với các hội đoàn về một số dự án cụ thể cho thời gian tới.
- Tổ chức một buổi Hòa nhạc ngoài trời do các cháu thanh thiếu niên biểu diễn nhân Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi. Đề nghị các hội đoàn cùng tham gia.
- Tổ chức chung Ngày Thể Thao Cộng Đồng trong mùa hè này (tháng 7 2012).
- Lịch tư vấn xã hội chung của Hội người Việt với tổ chức Caritas và một số buổi thông tin và thảo luận chuyên đề về những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày tại Đức.
Các đại biểu đón nhận những thông tin trên và đề nghị Hội người Việt chuyển các thông tin cho các hội đoàn qua e-mail và thông báo trên thoibao.de khi có phương án cụ thể.
Trong buổi họp chung này ông Lê Xuân Đính đại diện cho Hội đồng hương Thanh Hóa và là Tổng Biên Tập của trang thoibao.de đã tỏ rõ thiện chí giúp các hội đoàn đưa các thông tin của mình đến với bà con trong cộng đồng. Ồng Đính cũng tìm hiểu và trao đổi tích cực với ông Hưng về công tác phát triển hội viên của Hội người Việt, về một số những thắc mắc và hiểu lầm của một số người về cơ cấu và hoạt động của Hội người Việt. Qua trao đổi thẳng thắn và cởi mở của ông Hưng, ông Tăng và ông Nam các đại biểu đã có dịp hiểu rõ hơn về Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg.Đây là một thành công đáng kể của cuộc họp chung lần này và từ sự hiểu biết lẫn nhau này sẽ tạo nên một nền tảng mới cho những hợp tác tiếp theo nhằm tăng thêm chất lượng và hiệu quả của các hoạt động phục vụ bà con trong cộng đồng người Việt ở thủ đô Berlin và các vùng lân cận. Cuộc họp kết thúc lúc 21 giờ 40 phút.
Dưới đây là danh sách tên miền của các hội đoàn đã tham dự buổi họp này. Mọi người nhấp chuột vào tên miền để đến với các trang sau. Những hội đoàn khác có thể gửi tên miền đến với Hội người Việt nam để chúng tôi bổ xung thêm vào danh sách này.
- Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg : www.vietnam-bb.de
- Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng: www.quangda.de
- Hội đồng hương Thanh Hóa: www.hoidonghuongthanhhoa.de
- Hội người Hải Phòng tại CHLB Đức: www.hoinguoihaiphong.de
- Hội người Hà Nội tại CHLB Đức: www.hoinguoihanoi.de
- Hội đồng hương Nghệ An: www.hoinghean.com
- Hội đồng hương Kinh Bắc: www.hoikinhbac-de.com
- Liên Hiệp người Việt toàn Liên Bang Đức: www.lienhiepnguoiviet.de
Bài và ảnh Bùi Đức Hòa, điều phối viên của Hội người Việt nam ở Berlin và Brandenburg.