MỘT TRONG NHỮNG THỦ LĨNH VỤ THIÊN AN MÔN NÓI GÌ?
Phỏng vấn Wuer Kaixi
Người thực hiện Fabian Kretschmer của báo Frankfurter Rundschau
Hôm qua 4/6 là ngày tưởng nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn 31 năm về trước. Phóng viên Fabian Kretschmer của báo Frankfurter Rundschau đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Wuer Kaixi, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình. Tôi xin dịch ra Việt ngữ để chúng ta có thêm tư liệu và đánh giá đầy đủ hơn về sự kiện này.
Wuer Kaixi người Ngô Duy Nhĩ là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên Bắc Kinh hồi 1989 ở Thiên An Môn. Cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên đã bị xe tăng Giải phóng quân TQ nghiến nát. Khoảng 2600 người đã bỏ mạng trong cuộc tàn sát. Kể từ đó người bất đồng chính kiến Kaixi sống lưu lạc ở Đài Bắc, ông vẫn là một trong những người chỉ trích Bắc Kinh công khai và rất mạnh mẽ.
Điều này có liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của ông: Wuer Kaixi là người Ngô Duy Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo vùng tây bắc TQ. Theo các tổ chức nhân quyền, hàng trăm nghìn người vẫn đang bị giam cầm quản thúc ở tỉnh Xinjian.
Kretschmer:
Năm 1989 ông là một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên. Ông có cho rằng, sự phản đối của các ông đã gây tác dụng?
Kaixi:
Chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện chiến dịch, sau đó nó lan ra toàn thế giới. Sau sự kiện Bắc Kinh, một loạt phong trào phản đối đã nổ ra ở các nước Đông Âu. Làn sóng phản đối đã góp phần kết thúc chiến tranh lạnh và làm cho bức tường Berlin sụp đổ. Khi những cuộc biểu tình phản đối bất bạo động xảy ra ở Leipzig có hàng trăm nghìn người xuống đường, khẩu hiệu lúc đó được giương cao là “Đừng như Trung Quốc!”, có ý cảnh báo chớ đàn áp và tàn sát như vậy.
Như thế là chúng tôi đã làm cho tình hình khác đi có phải không? Có lẽ có tác dụng với các nước khác, trong đó có Đức. Rất đáng tiếc là TQ vẫn thế, nó không làm cho họ thay đổi được. Chúng tôi đã thất bại trân đầu. Trong lịch sử thường là như thế: Những chiến binh mở màn cuộc tấn công bị chết, nhưng sẽ đặt nền tảng cho những người theo sau chiến thắng.
Kretschmer:
Trong hoàn cảnh hiện nay thì ông vẫn quyết định hành động như thế chứ?
Kaixi:
Đây là một câu hỏi khó. Phong trào sinh viên đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Điều đó có nghĩa là, tôi không được gặp bố mẹ từ 30 năm nay, vì tôi không được trở về quê hương TQ của tôi. Cảm xúc của tôi vui buồn lẫn lộn.
Tất nhiên tôi có thể nói mình thật may mắn vì được sống ở Đài Loan, một trong những nơi có nền dân chủ tốt nhất thế giới. Liệu tôi có hối hận vì tham gia sự kiện 1989 không? Không, chắc chắn là không. Nhưng liệu tôi có làm lại như thế không? Cũng chẳng biết nữa – Trước hết phải hiểu sự hy sinh mà các bạn của tôi đã phải đổ máu trên đường phố Bắc Kinh. Hồi đó chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị đàn áp, nhưng mức độ đổ máu đã vượt quá những dự đoán của chúng tôi, kể cả những dự đoán chúng tôi cho là tồi tệ nhất.
Kretschmer:
Ở Đài Loan cũng có rất nhiều người sợ bị can thiệp, thâm chí sợ bị TQ tấn công bằng quân sự.
Kaixi:
Những cuộc biểu tình ở Hongkong cho thấy, mối nguy cơ là có thật và rất nghiêm trọng, Đài Loan cũng sẽ không khác gì. Nhưng TQ sẽ không đánh chiếm Đài Loan. Người dân ở đây muốn bảo vệ nền dân chủ của họ, thể hiện qua các cuộc bầu cử gần đây. ĐCS ở Băc Kinh không thể lay chuyển được ý chí đó. Toàn thế giới tìm cách, hoặc là thoát Trung, hoặc ít nhất cho người ta thấy chế độ ở TQ là mối đe dọa cho xã hội văn minh.
Kretschmer:
Khi quan sát những cuộc biểu tình ở Hongkong ông có cho rằng: Lịch sử có thể lặp lại sau 30 năm tàn sát ở Thiên An Môn?
Kaixi:
Lúc chúng tôi khởi đầu chiến dịch vào tháng 4 năm 1989, thế giới vẫn đánh giá TQ rất tích cực. Lúc đó chính phủ thường nhấn mạnh đến ý chí cải tổ. Đồng thời ở Liên Xô, Gorbatschow cũng thực hiện quá trình đổi mới Perestroika. Chúng tôi đã thách thức những người cộng sản bằng cách đòi tự do và dân chủ.
Kretschmer:
Bắc Kinh nói rằng, nhân dân TQ chưa đủ độ chín để thực hiện dân chủ.
Kaixi:
Cũng nhiều người của thế giới A – rập nói rằng, họ khác. Nhưng sự thật tất cả chúng ta đều mong muốn như nhau: Tự do. Mặc dù thế, những người đã đàn áp phong trào sinh viên ở Thiên An Môn Bắc Kinh, bây giờ lại đàn áp những người biểu tình Hongkong.
Kretschmer:
Một số người đứng đầu với trường phái cứng rắn ở Hongkong có vẻ sẵn sàng chết vì mục đích của họ. Ông có thể khuyên họ điều gì?
Kaixi:
Tôi không thể xin được thị thực vào Hongkong và cũng không được phép đến đó. Nhưng giả sử được, tôi sẽ tham gia biểu tình và giương cao khẩu hiệu: “Hãy để cho chúng tôi tự do, hoặc giết chúng tôi đi”
Kretschmer:
Ông có nghĩ rằng, chính phủ TQ sẽ mở cửa về chính trị từ bên trong, chẳng hạn thế hệ tiếp theo lên nắm quyền?
Kaixi:
ĐCS không khác gì một nhóm kẻ cướp đê tiện. Chúng đã đánh cắp quyền thống trị của một trong những nước lớn nhất thế giới và đã tàn phá đất nước này. Việc họ làm chỉ có thế thôi.
Kretschmer:
Nền kinh tế TQ mỗi một năm đã cứu hàng triệu người thoát đói nghèo cơ mà.
Kaixi:
Nền kinh tế đã và đang phát triển, điều đó không cần bàn cãi. Đó là chiến lược để ĐCS giữ quyền cai trị. Họ đã cố gằng thực hiện để làm cho không phải tất cả lợi nhuận của nền kinh tế đều chảy hết vào túi họ.
Chúng ta hãy nhìn lại: Sau cách mạng văn hóa ĐCS không tự gióng lên hồi chuông cải tổ kinh tế, mà chính là nhân dân đang đói khổ. Đảng đơn thuần chỉ khôn khéo thể hiện cùng đi con đường này, vì nếu không sẽ bị loại bỏ. Hồi đó chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã mang về vòng nguyệt quế cho chính sách cải tổ. Có thể ông ấy suy nghĩ hơi lý tưởng một chút, nhưng những người kế thừa ông chắc chắn không làm theo.
Fabian Kretschmer báo Frankfurter Rundschau phỏng vấn
Nguyển Thế Tuyền chuyển ngữ