Ưu tiên cứu ai trong thời kỳ đại dịch?
Theo con số thống kê của người phát ngôn Bộ Y tế CHLB Đức trong cuộc họp báo liên bang trưa hôm nay (06.04.2020), Bộ Y tế CHLB Đức đã nhận được báo cáo của 1.640 (trong số 1.942) bệnh viện trên toàn lãnh thổ của Đức, số giường điều trị tích cực còn trống vào thời điểm hiện tại ở Đức là khoảng 10.000 giường.
Trong thời kỳ đại dịch Corona, không loại trừ khả năng những bệnh viện của Đức sẽ quá tải.
Theo tính toán của các chuyên gia, có khả năng 60 đến 70 % số dân Đức bị nhiễm Covid-19, nghĩa là khoảng 50 triệu người. Cũng theo dự tính của các chuyên gia, khoảng 5 % số người bị nhiễm, nghĩa là khoảng 2,5 triệu người sẽ cần phải được điều trị tích cực, nghĩa là phải có máy trợ thở.
Ngành y tế của Đức dự kiến sẽ bổ sung số lượng giường điều trị tích cực và máy trợ thở. Cứ giả định rằng số lượng máy trợ thở vào thời điểm cần thiết có thể là khoảng 30.000 chiếc. Câu hỏi đặt ra là: trong trường hợp máy trợ thở không đủ để điều trị tất cả những bệnh nhân có nhu cầu thì việc ưu tiên lựa chọn bệnh nhân sẽ được dựa trên cơ sở nào?
Nghĩa là ai sẽ được ưu tiên điều trị?
Tại Italia và Pháp, người ta tính cả đến yếu tố tuổi của bệnh nhân. Cứu một bệnh nhân người ta cũng cần nhắc yếu tố sẽ cứu được bao nhiêu năm của cuộc đời. Trên cơ sở đó, câu trả lời sẽ là: bệnh nhân trẻ sẽ được ưu tiên cứu trước những bệnh nhân cao tuổi.
Có thông tin cho biết ở Bergamo, người trên 85 tuổi sẽ không được cung cấp máy trợ thở nữa. Còn ở Straßburg thậm chí tuổi cao nhất để nhận được một máy trợ thở là 75.
Tại Đức, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
Ở Đức không có Bộ luật ưu tiên cứu chữa bệnh nhân, nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, nhà nước không có quyền phân biệt trong việc đánh giá giá trị con người.
Tuy nhiên trong bối cảnh nhạy cảm này, cần phải có quy định về luật để đảm bảo sự an toàn về pháp lý cho bác sĩ cũng như thân nhân của bệnh nhân, một khi họ nêu câu hỏi đối với bác sĩ: Các ông đã quyết định như thế nào? Và quyết định trên cơ sở nào?
Để trả lời câu hỏi này, 7 Hiệp hội chuyên môn về y tế của Đức đã thống nhất đưa ra một giải pháp đối với câu hỏi về tình hình cần thiết phải ưu tiên trong trường hợp cấp cứu.
Giả sử các bệnh viện của Đức lâm vào tình trạng quá tải thì tiêu chí đầu tiên để ưu tiên lựa chọn bệnh nhân cấp cứu sẽ là:
Bệnh nhân có khả năng điều trị khỏi bệnh cao nhất sẽ được ưu tiên.
Bệnh nhân ở đây được hiểu là tất cả các bệnh nhân, không phải chỉ có bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà kể cả những bệnh nhân khác, ví dụ như người bị tai nạn ô tô, người bị bệnh nhồi máu cơ tim v..v… Theo giáo sư Michael Kubiciel, chuyên gia về luật tố tụng dân sự thì sự lựa chọn hợp lý nhất về mặt y học này cũng là giải pháp tốt nhất.
Đương nhiên, để đánh giá được khả năng điều trị khỏi bệnh cao nhất, trước hết người ta phải xác định được mức độ trầm trọng của căn bệnh. Trên thế giới có nhiều hệ thống chuyên môn (phần mềm) được đưa vào sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân khi đưa vào khoa cấp cứu, trong đó có các hệ thống như: Australasian Triage Scale, Canadian Triage and Acuity Scale (CTAS), Manchester Triage System (MTS) und Emergency Severity Index (ESI).
Đức áp dụng hệ thống đánh giá ưu tiên 5 bậc (5-Stufen-Triage-Systeme), qua đó đảm bảo được hiệu lực và độ tin cậy.
Theo hệ thống đánh giá này, những bệnh nhân có chỉ số cao nhất sẽ được ưu tiên. Nhưng trong trường hợp đang điều trị, không loại trừ khả năng một bệnh nhân mới được đưa vào cấp cứu có chỉ số ưu tiên cao hơn bệnh nhân hiện đang được điều trị. Trong trường hợp đó, bệnh nhân đang được điều trị lại phải “nhường” máy trợ thở cho bệnh nhân mới vào.
Còn nếu trong trường hợp có nhiều bệnh nhân cùng chỉ số ưu tiên thì lúc đó không có cách nào khác ngoài việc “bốc thăm”. Có những ý kiến ủng hộ phương án này, nhưng cũng có ý kiến phản đối.
Bác sĩ là những người phải chịu gánh nặng thông qua quyết định lựa chọn trong trường hợp này, cũng có khả năng họ sẽ bị vướng vào vòng lao lý vì những quyết định của mình vì về nguyên tắc, bác sĩ có nghĩa vụ cứu giúp bệnh nhân, nếu bác sĩ khước từ cứu giúp bệnh nhân (kể cả trong trường hợp quá tải) dẫn đến việc bệnh nhân tử vong thì có thể bị quy tội “gây tử vong do khước từ điều trị”.
Trong trường hợp này, phần lớn các luật sư sẽ bào chữa theo tinh thần: bác sĩ đó không vi phạm pháp luật và không bị kết án.
Riêng trong trường hợp “lấy máy trợ thở của một bệnh nhân đang được điều trị để sử dụng cho một bệnh nhân khác có cơ hội chữa khỏi nhiều hơn” thì đó là một hành động “giết người” thông qua việc làm trực tiếp. Đó là ý kiến của Giáo sư Michael Kubiciel.
Trong trường hợp này, nếu giả sử bị truy tố thì những người bác sĩ cũng sẽ được trắng án, nếu luật sư biện hộ giỏi. Tuy những quyết định như vậy không phải là lỗi cá nhân của những người bác sĩ, nhưng trong lương tâm, chắc chắn họ cũng sẽ bị cắn rứt.
Nguồn:(Nguyễn Đức Thắng – Berlin 06.04.2020)
Ảnh chụp màn hình