HÀNH TINH BỊ THƯƠNG

Đối với một người không còn quá trẻ, có công ăn việc làm, chắc họ đã có nhiều kỳ nghỉ thời gian vài tuần để đi chơi cùng gia đình bạn bè, để đi du lịch nước ngoài, để dưỡng sức sau một thời gian lao động. Nhưng đợt nghỉ bắt buộc này thật đặc biệt. Họ bị hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc với bạn bè và xã hội. Đó là một sự tra tấn đối với những ai đã quen cuộc sống linh động và giàu mối quan hệ.

Đại dịch Coronavirus như một cơn địa chấn trên phạm vi toàn cầu. Có bao giờ quy định giãn cách xã hội, cấm tụ họp, hạn chế tối đa khi ra khỏi nhà, trường học đồng loạt đóng cửa lại được thực hiện từ đông đến tây, từ nam chí bắc, được thực hiện một cách thống nhất như vậy trên quả địa cầu này? Con virus hiểm độc Corona không biết phân biệt biên giới, giàu nghèo, xấu đẹp, sang hèn.

Đại đa số cầu mong đại dịch qua đi để nhịp sống cũ trở lại. Một số ít trong thời gian này sống chậm lại để nhận ra rằng, nếu đại dịch có qua đi, thế giới cũng không còn là thế giới của một năm về trước nữa.

Câu hỏi đầu tiên cần lý giải mà nhiều người đặt ra là: Có phải người châu Á chịu đựng tốt hơn dân Âu Mỹ và nếu đúng thế thì tại sao?
Nếu xét những chính sách quyết liệt được thực hiện trong đại dịch vừa qua, có lẽ người ta phải thận trọng gật đầu đồng ý. Bởi vì người Trung Quốc đã trải qua hàng chục năm liền chịu đựng chính sách của Cách mạng văn hóa ở nước họ thời Mao Trạch Đông, còn người Việt Nam đã mất mát hy sinh quá nhiều trong các cuộc chiến tranh trước đây nên đối với họ vài tuần không được ra ngoài thấm tháp gì!

Ở nền dân chủ các nước châu Âu, dân chúng khó chấp nhận một thằng đứng trước cửa nhà cao tầng soi mói từng người, ai đi ai về, tay lăm lăm vũ khí đe dọa!
Ngay cả chuyện phải đeo khẩu trang cũng là một vấn đề. Người châu Á đi ra đường bằng xe đạp hay xe máy là phải có khẩu trang chắn bụi, chắn khói xe. Đó là lẽ gần như đương nhiên. Còn ở châu Âu người ta chỉ thấy bác sĩ hay y tá đeo, dân chúng bình thường không quen. Điều này giống như người ta bắt được con ngựa rừng ngày hôm trước, ngày hôm sau bắt nó kéo xe giữa phố. Nó sẽ lồng lộn lên, nó phải được thuần hóa trước đã. Mặt khác vì tình hình xảy ra quá đột ngột, có ai chuẩn bị đủ khẩu trang đâu mà dùng. Họ bị động, vì những mặt hàng như thế từ trước đến giờ chỉ có TQ sản xuất.

Một bác sĩ Đức cay đắng thốt lên trước ống kính truyền hình là nước Đức có công nghệ nano, sản xuất được cả kính thiên văn khảo sát vũ trụ mà phải bó tay vì thiếu những dụ cụ quá sơ đẳng như khẩu trang!

Đương nhiên sau vụ này, nạn thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ tăng lên vì phương Tây phải hủy nhiều hợp đồng đặt hàng, nhưng họ có kinh nghiệm trong vấn đề này. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008/09 cũng đã làm cho vài chục triệu người mất việc mà họ giải quyết rồi cũng ổn. TQ chỉ bỏ một khoản tiền tượng trưng cứu trợ cho dân họ chứ không như các nước phương Tây bỏ hàng ngàn tỷ Euro để vực xã hội. Tiền dự trữ quốc gia của họ không quá hao hụt như các nước phương Tây.

Một số nước đã dự kiến có chính sách khuyến khích các hãng của họ rút đầu tư khỏi Trung Quốc (ít nhất một phần) để trở về mẫu quốc hay sang các nước khác đáng tin cậy hơn. Đó là Nhật, Hàn quốc và Mỹ. Việt Nam đứng trước cơ hội như một cầu thủ dự bị có thể vào sân. Các doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không lại là một câu hỏi khác. Họ phải làm ăn bài bản hơn, tuân thủ các đòi hỏi ngặt nghèo hơn, chứ không thể cứ đi chọn đối tác „dễ tính“ theo cách nghĩ Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất của TQ bây giờ là họ lo sợ sự căm giận của gần 200 nước bị nạn. Họ sẽ phải đối mặt với làn sóng kiện do thiệt hại về sinh mạng cũng như kinh tế vì nước này giấu thông tin. Hiện tại còn quá sớm để có thể hình dung cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ rất kịch tính và chưa có tiền lệ. Thế giới sẽ như thế nào những năm sau đây là điều không ai nói trước được, kể cả những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Hiện tại vấn đề được mong đợi nhất, từng ngày từng tuần, là làm sao có Vắc xin hiệu nghiệm, tức là làm thế nào để cơ thể người có sức đề kháng đánh bại virus quái ác này. Một cuộc chạy đua tìm vắc xin đang rất quyết liệt giữa phương Tây và Trung Quốc đang diễn ra. Ai sẽ là người về trước?

Nhiều chuyên gia đoán rằng, TQ sẽ tung Vắc xin ra thị trường trước phương Tây. Vì y học phương Tây quá cẩn thận, cứ phải giải thích bằng khoa học vì sao nó trị được, tác dụng phụ thế nào và thử đi thử lại rất nhiều lần rồi mới thận trọng đưa ra thị trường. Trong khi đó TQ chỉ cần thử nghiệm thành công vài lần là đưa ra dùng, mặc dù có thể chưa chứng minh hoàn toàn bằng khoa học. Việt Nam mình cũng thế, có nhiều phương pháp chữa bệnh rất hay nhưng phương Tây không mua bản quyền, vì thiếu luận chứng khoa học thuyết phục.

Ngay từ bây giờ khi đại dịch chưa hoàn toàn được kiểm soát, nhưng rất nhiều chiến lược gia châu Âu đã nhận ra rằng, không thể phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chuỗi cung ứng từ TQ, đặc biệt là dụng cụ y tế và dược phẩm. Tức là nhiều ngành trước đây châu Âu nhường thị phần cho TQ, bây giờ sẽ sản xuất lại trên đất châu Âu.

Tại sao không? Bởi vì trước kia người ta phải đầu tư ở TQ do giá công nhân rẻ, họ phải nghiến răng chấp nhận giao chất xám cho chính quyền TQ đổi lấy thị trường. Ngày nay rất nhiều ngành công nghiệp sử dụng Roboter thay công nhân. Lực lượng lao động đặc biệt này chăm chỉ, kỷ cương, sản phẩm làm ra chất lượng tuyệt vời và không đòi một xu lương nên đâu cần đến công nhân TQ nữa.

Vấn đề „thoát Trung“ không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước Âu Mỹ. Nước Đức đã nhìn thấy nguy cơ khi một số hãng châu Âu bị TQ dùng tiền mua đứt, ví dụ hãng Roboter Kuka trong công nghiệp ô tô. Châu Âu cũng rất lo ngại sự bành trướng của Huawei, hãng truyền thông lớn của TQ.

Nhìn hình ảnh hàng đoàn xe tải VN chở đầy trái cây không được qua biên giới sang TQ mà thấy đau xót. Họ không có những hợp đồng bao tiêu để yên tâm sản xuất (được giá thì mất mùa, được mùa thì giá bèo bọt). Thế nhưng làm để có hợp đồng bao tiêu với những nước lớn thì doanh nghiệp Việt phải cải tổ, phải tuân thủ những tiêu chuẩn rất ngặt nghèo để hàng của mình có thể bán ở San Fransisco hay New York.

Còn ít tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đây là một thử thách rất lớn cho Donald Trump. Bằng mọi giá ông ta không được để con số thất nghiệp tăng cao. Ông phải làm sao để dân nghĩ rằng, TQ là tội đồ chứ không phải cách điều hành của Trump. Lúc đó ông mới có cơ hội làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Đó cũng là một bài toán cực khó, đòi hỏi giải trong một thời gian cực ngắn của ông chủ Nhà Trắng.

(Bình chơi trong những ngày sốt ruột)
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *