THẾ GIỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO SAU KHỦNG HOẢNG CORONA?

THẾ GIỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO SAU KHỦNG HOẢNG CORONA?

Mùa hè năm 1997, lần đầu tiên trong đời tôi được đọc một tạp chí phân tích và dự đoán tương lai. Tạp chí có tên là VORDENKER, xuất bản mỗi tháng một lần. Từ đó tôi mê tạp chí này, vì họ dùng những dữ liệu hiện tại và quá khứ để phỏng đoán thế giới trong những năm tiếp theo.

Hiện tại, dịch Corona đang hoành hành khắp địa cầu, đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, đã và sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Toàn thế giới phải cùng nhau chống một kẻ thù không nhìn thấy được và cực kỳ nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu xu hướng thế giới đã phác họa hình ảnh cuộc sống sau những ngày đại dịch trôi qua.

 

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quá trình toàn cầu hóa phát triển nhanh đến chóng mặt. Sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đan bện lấy nhau như một sự phân công lao động. Công nghệ thông tin đã làm cho hợp tác quốc tế phát triển rất nhanh, trong khi xu hướng chính trị hoàn toàn ngược lại: Nhiều nước đặt lợi ích quốc gia trên hết, tìm cách lấn lướt các đối tác khác.

Virus Corona đã cho chúng ta thấy, nó không phân biệt biên giới, sắc tộc, giàu nghèo nên đáng lẽ cuộc chiến chống lại nó phải mang ý nghĩa toàn cầu, có sự thống nhất cao. Rất đáng tiếc mỗi nước chống dịch một kiểu, làm cho tình hình càng nghiêm trọng hơn.

Tất nhiên một ngày nào đó đại dịch sẽ bị đẩy lùi, nhưng thế giới này không bao giờ trở lại như xưa được nữa.

Đây không phải lần đầu tiên đại dịch bùng phát từ đất Trung Quốc. Năm 2002 dịch SARS (Viêm phổi cấp tính) cũng xuất phát từ đây. Sau này người ta biết nguyên nhân của dịch xuất phát từ loài dơi, truyền qua mèo rồi sang người. Virus Corona chủng mới, theo tin chính thức đến bây giờ, có lẽ cũng lây lan tương tự như SARS cách đây 18 năm, cho dù có rất nhiều giả thuyết khác đang tồn tại, nhưng chưa có bằng chứng.

Việc bán và ăn thịt thú hoang là một bộ phận của văn hóa một số nước châu Á. Người ta còn làm thịt những con vật này trước mặt thực khách để thể hiện cái độc đáo của ngành phục vụ. Những con vật sống cùng với người mua bán nó trong một không gian rất chật và mất vệ sinh. Đó là điều kiện lý tưởng để lan truyền Virus. Kiểu ăn uống khác thường này có lẽ phải chấm dứt trong tương lai, đòi hỏi sự can thiệp rất kiên quyết của nhà nước.

Người quen của tôi ở VN rất tự hào vì họ được nhậu thịt con tê tê, uống rượu ngâm xác bộ rắn độc và cho đó là đẳng cấp. Tôi nghĩ bây giờ họ đã biết sợ.

Vì khả năng kinh tế của từng nước khác nhau nên việc đầu tư cho ngành y tế, cho an sinh xã hội chưa được ưu tiên bằng phát triển kinh tế, xây cơ sở hạ tầng. Điều này cũng sẽ phải khác đi, vì dù chúng ta có cẩn thận đến mức nào, dịch bệnh do Virus gây ra không thể biết trước. Bảo vệ sức khỏe cho công dân phải được đặt lên hàng đầu.

Virus Corona chắc chắn sẽ làm làn sóng phá sản của các doanh nghiệp ập đến, dân mất việc làm, dẫn đến khủng hoảng chính trị như ở Ý cuối tuần qua. Dân chúng ở Parlemo miền nam nước Ý tấn công siêu thị, phải nhờ lực lượng cảnh sát đến dẹp loạn. Họ kêu gọi trên FB làm cách mạng với khẩu hiệu: “Một sắc dân như những con cừu không thể để một chính phủ gồm toàn những con sói tồn tại!”. (Ein Volk von Schafen kann keine Regierung aus Wölfen haben!)
Tình trạng xô xát giữa hàng vạn người dân tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Giang Tây có cả cảnh sát hai tỉnh tham gia sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm cũng là những tín hiệu rất xấu và bất ổn của xã hội Trung Quốc.

Sau đại dịch này, các nước phải chọn một trong hai con đường: Mở cửa để hợp tác quốc tế nhiều hơn hay co cụm lại. Chúng ta phải công nhận rằng, quá trình toàn cầu hóa là không thể đảo ngược được. Sau đại dịch này, nếu thế giới biết bắt tay nhau thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề đau đầu khác: Khủng hoảng do biến đổi khí hậu, làn sóng tị nạn, nội chiến, chiến tranh thương mại, đối đầu giữa NATO và Nga…

Nếu thấm thía bài học này, con người sẽ sẵn sàng hy sinh một số quyền tự do, sẽ có ý thức minh bạch hơn thay vì dối trá, mang tính xây dựng hơn tính đối đầu. Lần đầu tiên các Satellit cho kết quả không khí rất tốt trên bầu trời các khu công nghiệp ở Trung Quốc và Ý. Phải chăng con Virus này mang đến cho trái đất một thông điệp định hướng tương lai: Con người phấn đấu cho nền văn minh như vừa qua là quá vội vã, quá nôn nóng. Nếu cứ tiếp tục như thế, trái đất này sẽ không có tương lai tốt đẹp.

Cuộc khủng hoảng này cũng làm nảy sinh nhiều sáng kiến rất hay, chẳng hạn các thống đốc bang họp khẩn cấp với thủ tướng Đức qua màn hình, rất hiệu quả và tiết kiệm. Xu hướng học sinh và sinh viên học online sẽ là phương pháp bổ sung tuyệt với cho giáo dục đào tạo.

Còn đối với người Việt Nam ta, tôi rất hy vọng họ sẽ bớt những thói quen ăn uống mạo hiểm với sức khỏe: Ví dụ ăn thịt rắn, động vật hoang dã, rượu ngâm những con động vật không biết có bệnh hay không, ăn tiết canh, ăn gỏi cá sống.

Hy vọng họ sẽ có ý thức gìn giữ môi trường tốt hơn, đừng để Formosa hay sông Tô Lịch tồn tại hết thập kỷ này đến thập kỷ khác.
Chia sẻ và hợp tác thực lòng với những đối tác cần hợp tác, có trách nhiệm với những lời phát biểu, khiêm tốn hơn, thận trọng hơn. Vì chỉ như thế chúng ta mới có được bạn tốt cùng ta xây dựng một tương lai an toàn cho thế giới này.

“Tất cả chúng ta chỉ có duy nhất trái đất này để sống” – Lời của cố Tổng Thống Đức Richard von Weizsäcker
Nguyễn Thế Tuyền

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1078996819152269&id=100011258821919

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *