Thuốc phòng và chống Coronavirus Nhìn từ khía cạnh khoa học – nhân đạo – và kinh tế

Thuốc phòng và chống Coronavirus
Nhìn từ khía cạnh khoa học – nhân đạo – và kinh tế

Một số tên gọi và khái niệm thường gặp:

Coronavirus: Đây là khái niệm tổng quát cho một họ virus phát sinh ở người và súc vật.
Các virus gây bệnh SARS trong thời gian 2002/2003, bệnh MERS và nhiều hình thức cảm cúm cũng nằm trong nhóm virus này.

SARS-CoV-2: viết tắt của “Severe Acute Respiratory Syndrome-Coronavirus-2” là tên loại virus từ trước tới nay chúa phát hiện được, mới bùng phát ở nhiều nước trên thế giới bắt đầu từ tháng 2.2020, còn được gọi là “Coronavirus loại mới” (ban đầu gọi tắt là 2019-nCov).

Covid-19: là tên của loại bệnh viêm đường hô hấp Covid-19, viết tắt của “Coronavirus-Disease”, bắt đầu xuất hiện năm 2019.

Đối với các loại virus và căn bệnh nói trên, ta phải nói tới 2 loại thuốc: thuốc tiêm phòng và thuốc điều trị.

I) Thuốc tiêm phòng đối với căn bệnh Covid-19:

Trong bối cảnh nạn đại dịch của Coronavirus với các ca nhiễm bùng phát tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc nghiên cứu và sản xuất thuốc tiêm phòng nhiễm Coronavirus đã trở thành mối quan tâm rất to lớn của nhiều nước trên thế giới. Hiện tại trên toàn thế giới có ít nhất 40 dự án về thuốc tiêm phòng, trong đó WHO mới tổng kết được 35 dự án. Còn những dự án chưa được WHO tổng kết có: 1 dự án của Công ty Đức BioNTech, 2 dự án của Trung tâm nghiên cứu thuốc tiêm phòng của Đức (DZIF), 1 dự án của Viện Karolinska của Tập đoàn Opencorona của Thụy Điển, 1 dự án của Viện nghiên cứu sinh học Israel.

Một tổ chức quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc tiêm phòng đối với các loại bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) – tạm dịch là Liên minh sáng tạo chuẩn bị đối đầu với dịch bệnh – một tổ chức của Na Uy. CEPI là một tổ chức hoạt động toàn cầu, tập hợp các cơ quan, tổ chức công, tư nhân và tổ chức từ thiện, CEPI có trụ sở tại Oslo, London và Washington DC.
Nguồn tài chính của CEPI do nhiều nước đóng góp, trong đó có Na Uy, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia cũng như của Quỹ Bill Gates và Wellcome Trust.

CEPI là đơn vị cung cấp kinh phí cho nhiều dự án trong số 40 dự án nói trên, trong đó có dự án của Công ty tư nhân CureVac của Đức, dự án của Inovio (Mỹ), Moderna (Mỹ), Novavax và Dynavax (Australia).
Bên cạnh CEPI còn có GSK (GlaxoSmithKline) – một tập đoàn dược của Anh cũng đưa công nghệ bổ trợ của mình vào những dự án nghiên cứu thuốc tiêm phòng SARS-CoV-2.

Ta nên nhớ rằng quy trình phát triển thuốc tiêm phòng gồm 6 giai đoạn:

1. Phân tích virus
2. Xác định thành phần cần thiết cho thuốc tiêm phòng
3. Thử nghiệm trên súc vật
4. Thử nghiệm trên người (tình nguyện) qua nhiều giai đoạn
5. Tiến hành thủ tục cấp phép
6. Sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường.

Tiến trình hiện nay của một số dự án phát triển và sản xuất thuốc tiêm phòng:

– Moderna tuyên bố bắt đầu thử nghiệm thuốc tiêm phòng của mình vào ngày hôm nay (16.3.2020);
– Inovio bắt đầu thử nghiệm trên người giai đoạn đầu từ tháng 4.2020;
– Novavax có kế hoạch thử nghiệm trên người vào “cuối mùa xuân năm nay”;
– CureVac (Đức) có kế hoạch thử nghiệm trên người vào “đầu mùa thu năm nay”;
– Dự án của Trường ĐHTH Queenland mới ở giai đoạn thử nghiệm trên súc vật.
– BioNTech (Đức) đã phát triển được một loại thuốc tiêm phòng và bắt đầu thử nghiệm trên người tại châu Âu, Mỹ và Trung quốc vào cuối tháng 4.2020. Hãng này hợp tác với Công ty Fosun Pharma của Trung quốc;
– Trung tâm nghiên cứu thuốc tiêm phòng của Đức (DZIF) kết hợp với những đối tác ở München, Marburg và Hamburg đang phát triển 2 loại thuốc tiêm phòng trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm;
– Ngoài ra còn nhiều dự án nghiên cứu thuốc tiêm phòng khác của các nước Mỹ, Trung quốc, Ấn Độ, Israel, Đan Mạch, Canada cũng đang ở trong giai đoạn khởi đầu.

Các công ty và các nhà nghiên cứu phát triển nhiều loại thuốc tiêm phòng khác nhau, trong đó có:

Vắc-xin sống với virus vectơ;
Vắc-xin chết với protein virus;
Vắc-xin dựa trên gen
Và các loại vắc-xin phòng các loại Coronavirus khác cũng như các loại chất bổ trợ cho vắc-xin.

II) Thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid 19

Để chống lại đại dịch Coronavirus, người ta không chỉ nghiên cứu và phát triển các loại thuốc tiêm phòng mà còn sản xuất các loại thuốc điều trị.

Thuốc điều trị cũng gồm có nhiều loại:
Thuốc kháng vi-rút;
Thuốc điều chế miễn dịch (Immunmodulatoren);
Thuốc điều trị bệnh nhân phổi.
Hiện tại còn có xu thế phát triển các loại thuốc điều trị mới.

Những dự án sau đây hiện đang tập trung vào việc phát triển các loại thuốc điều trị bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus:

Hãng Gilead Sciences đang nghiên cứu loại thuốc Remdesivir để thử nghiệm tác dụng đối với bệnh nhân SARS-CoV-2;

CytoDyn đang thử nghiệm tác dụng của thuốc Leronlimab đối với bệnh nhân Coronavirus.

AbbVie đang cung cấp thuốc điều trị HIV có hàm lượng Lopinavir / Ritonavir cho Trung quốc để thử nghiệm đối với bệnh nhân Covid-19.
Còn nhiều loại thuốc khác đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng trong khuôn khổ của bài này, chỉ xin nêu một vài ví dụ.

III) Mâu thuẫn giữa Mỹ và Đức xung quanh thuốc tiêm phòng của Hãng CureVac

Trong mấy ngày vừa qua, báo chí và truyền thông của Đức đưa nhiều tin về việc tranh chấp giữa Mỹ và Đức xung quanh việc Mỹ muốn mua Hãng CureVac và những sản phẩm của hãng này. Sau đây tác giả bài báo xin thống kê lại trình tự một số nét chính của vụ việc.

CureVac là một hãng dược sinh hàng đầu trên lĩnh vực công nghệ mRNA (ARN thông tin). CureVac có trụ sở chính tại Tübingen (Bang Baden-Württemberg) và có chi nhánh tại Frankfurt và Boston, MA, USA. CureVac nhận được sự đầu tư lớn của nhiều tập đoàn và tổ chức đa quốc gia như Boehringer Ingelheim, Eli Lilly & Co, Genmab, CRISPR Therapeutics và Bill & Melinda Gates Foundation.

Từ năm 2011, CureVac đã bắt đầu vào việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc tiêm phòng trên cơ sở công nghệ mRNA. Để phục vụ cho mục đích này, CureVac đã nhận được hỗ trợ về tài chính của Defense Advanced Research Projects Agency (Darpa), một cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như của Bill & Melinda Gates Foundation và CEPI.

Trong giai đoạn 1 của quá trình nghiên cứu bệnh dại đã được giới thiệu vào tháng giêng năm nay, với một lượng cực kỳ nhỏ là 1 Microgram (µg), CureVac đã tạo được phản ứng miễn dịch ở người. Nếu chỉ số này được áp dụng thành công cho việc sản xuất chất tiêm phòng Coronavirus thì tại các cơ sở sản xuất của mình, CureVac có khả năng sản xuất một khối lượng lớn hàng triệu liều thuốc với chi phí rất thấp.

Ngày 2.3.2020, nhận lời mời của Nhà Trắng, Chủ tịch HĐQT của hãng CureVac, ông Daniel Menichelle đã họp mặt với Tổng thống Donald Trump, tham dự cuộc họp mặt còn có Phó Tổng thống Mike Pence, nhiều đại diện của Coronavirus-Task-Force và các hãng dược phẩm của Mỹ. Các bên đã trao đổi về khả năng nhanh chóng phát triển một loại thuốc tiêm phòng Coronavirus.

Trong cuộc họp mặt này, Daniel Menichelle đã khẳng định tiềm năng của hãng CureVac trong vòng ít tháng tới có thể phát triển được một loại thuốc tiêm phòng Coronavirus trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đã đạt được.

Ngày 11.3.2020, Hãng CureVac thông báo chính thức: Ông Ingmar Hoerr, người sáng lập ra công ty CureVac và Chủ tịch hội đồng thanh tra của hãng đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT (CEO) thay cho ông Daniel Menichelle.

Ngày 15.3.2020, Hãng CureVac khẳng định: hiện tại hãng đang hướng tất cả mọi nỗ lực nội bộ của mình vào việc phát triển một loại thuốc tiêm phòng Coronavirus đời mới với mục tiêu đến được với những người dân và những bệnh nhân trên toàn thế giới, giúp đỡ họ và bảo vệ họ.“

Ngày hôm nay (16.3.2020), Hãng CureVac thông báo: Ông Ingmar Hoerr Chủ tịch HĐQT vì lý do sức khỏe nên không thực hiện được chức năng của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Ông Hoerr vắng mặt không phải vì nhiễm Coronavirus. HĐQT của CureVac đã cử ông Franz-Werner Haas, Phó CT HĐQT tạm thời thay thế ông Hoerr.

Đài truyền hình nhà nước ARD của Đức đưa tin:
„Rõ ràng giữa Đức và Mỹ đang có mâu thuẫn xung quanh vụ Hãng CureVac tại Tübingen, nơi đang nỗ lực phát triển một loại thuốc tiêm phòng cho Coronavirus.
Theo báo „Welt am Sonntag“, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách dùng một khoản tiền lớn để lôi cuốn các nhà khoa học của Đức sang Mỹ hoặc giữ độc quyền đối với loại thuốc này cho nước mình. Trump làm tất cả để có được thuốc tiêm phòng cho nước Mỹ. „Nhưng chỉ riêng cho nước Mỹ.“

Đương nhiên một hợp đồng độc quyền với Mỹ đối với thuốc tiêm phòng Corona rõ ràng là điều không thể được CureVac đề cập đến. Hãng đó cho biết rằng họ không nỗ lực trong việc trao đổi buôn bán với Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Liên bang, ông Peter Altmaier đã ca ngợi Công ty CureVac ở Tübingen:
„Đây là một quyết định tuyệt vời và một quan điểm tuyệt vời. Chúng tôi lo cho việc luôn có sự trợ giúp cần thiết. Nước Đức không phải để bán. Và nếu đó là vấn đề hạ tầng cơ sở quan trọng và quyền lợi quốc gia và quyền lợi châu Âu thì chúng tôi sẽ hành động trong trường hợp cần thiết.“ Người phát ngôn Bộ Y tế Liên bang cũng đã phát biểu trước tờ „Welt am Sonntag“: „Chính phủ Liên bang Đức rất quan tâm tới việc phát triển thuốc phòng và chống Coronavirus đời mới tại Đức và châu Âu. Về vấn đề này, Chính phủ đang trao đổi một cách tích cực với hãng CureVac.“

Hãng này đang hợp tác chặt chẽ với Viện Paul-Ehrlich về thuốc tiêm phòng và sản phẩm dược sinh – là Viện trực thuộc Chính phủ – trong việc phát triển một loại thuốc tiêm phòng virus này.

Hôm thứ sáu vừa rồi, ông Florrian von der Mülbe, cổ đông sáng lập và thành viên HĐQT của CureVac đã phát biểu trước Hãng thông tấn Reuters rằng trước đây họ đã bắt đầu nghiên cứu nhiều loại thuốc tiêm phòng khác nhau và giờ đây họ sẽ chọn ra 2 loại tốt nhất để thử nghiệm. Hãng này hy vọng rằng tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay sẽ phát triển được một loại thuốc tiêm phòng thí điểm và sau đó sẽ trình cho các cơ quan chức năng để xin phép thử nghiệm trên người.

Với lời khẳng định của Hãng CureVac ngày 15.3.2020: „Hiện tại hãng đang hướng tất cả mọi nỗ lực nội bộ của mình vào việc phát triển một loại thuốc tiêm phòng Coronavirus đời mới với mục tiêu đến được với những người dân và những bệnh nhân trên toàn thế giới, giúp đỡ họ và bảo vệ họ.“, rõ ràng là thể hiện tính nhân đạo cao cả, đưa mục tiêu cứu giúp con người lên trên lợi ích kinh tế.

Rõ ràng là chúng ta có thể học được nhiều ở quyết định này.

(Tôi viết bài này với mục đích tổng hợp dữ liệu và sự kiện nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm phần nào về sự việc nóng hổi đang diễn ra tại Đức, tránh những hiểu lầm do một số nguồn thông tin khác gây ra. Đây cũng không phải là một công trình khoa học. Bản thân lại không phải là chuyên gia về y và dược nên không thể tránh khỏi những khiếm khuyết về nội dung, những sai sót về thuật ngữ chuyên môn. Rất mong bạn đọc lượng thứ!)

Nguồn :https://www.facebook.com/caulacbo.thangmuoi/posts/2660068307437909

Nguyễn Đức Thắng tổng hợp và dịch
Berlin – 15.3.2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *