Chống kỳ thị chủng tộc đối với nhóm người châu Á: „Tất cả chúng tôi đều chán ngấy những người dè bỉu chúng tôi“

Bình đẳng

Chống kỳ thị chủng tộc đối với nhóm người châu Á: „Tất cả chúng tôi đều chán ngấy những người dè bỉu chúng tôi“

Bento giới thiệu ba người tham gia trong các dự án và hiệp hội chống lại sự phân biệt chủng tộc xảy ra hàng ngày.

Thật không may cho những người có vẻ bề ngoài châu Á sống ở Đức, thường ngày phải nghe những lời bình phẩm „Ching Chang Chong“, hay tiếng hô bất kỳ của những người lạ hoắc trên đường phố như „konnichiwa“, „ni hao“. Kể từ khi Coronavirus lan tới Đức vào đầu năm nay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á càng trở nên rõ ràng hơn – dưới những hình thức lăng mạ, đe doạ và tấn công xâm phạm cơ thể. Tổ chức Amadeo Antonio đã tổng hợp ghi chép các sự cố trên Plattform Belltower.News của họ và kết nối với mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông.

Không giống như cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ kỳ, lợi ích của họ được thể hiện mạnh mẽ trên các diễn đàn thông qua các tổ chức hiệp hội, các câu lạc bộ, tiếng nói và hoạt động thí dụ như của các hội đoàn người Việt Nam ở Đức hầu như không được nghe đến hay nhìn thấy.

Một cái gì đó đang thay đổi: Ngày càng nhiều các bạn trẻ gốc châu Á kết nối với nhau một cách nhộn nhịp trên các mạng xã hội như Twitter, Instagram và Facebook, tạo ra các Podcast như Rice and Shine, Diaspor.Asia và Bin ich Süßsauer? nhằm nâng cao nhận thức về khía cạnh nhập cư. Những người hoạt động phong trào như các bạn nữ Nhi Le, Liya Yu và Victoria Kure-Wu chỉ trích công khai những trường hợp phân biệt chủng tộc, ngay cả những câu chuyện châm biếm không lành mạnh của những nhân vật nổi tiếng như Franziska van Almsick hay Jan Böhmermann họ cũng không tha. Một số dự án mới đang hình thành như mạng kỹ thuật số „IchbinkeinVirus“ (tôi không phải là Virus) hay trang mạng phê phán truyền thông Corona-Rassismus (kỳ thị chủng tộc Corona) của hiệp hội „Korientation“.

Điều gì đã khiến cho nhận thức của họ thay đổi? Chính xác thì các bạn trẻ muốn đạt được gì với những dự án này? Kinh nghiệm cá nhân của họ đóng vai trò gì? Chúng tôi đã nói chuyện với ba trong số họ về những câu hỏi này.

Nguyễn Thuỷ-Tiên, 25 tuổi, đến từ Cologne, phụ trách dự án phê phán truyền thông với tiêu đề “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong truyền thông” tại hiệp hội “Korientation”

Thủy-Tiến là giáo viên tình nguyện môn phát triển vận động và đang học để trở thành cán bộ của Sở giáo dục. Tại “Korientation” cô ấy ghi lại các báo cáo truyền thông có vấn đề. Hiệp hội này là một tổ chức tự phát của những người di cư và một mạng lưới với các quan điểm châu Á-Đức.

„Cách nay 1 năm tôi dùng Twitter. Đầu tháng Hai 2020 lần đầu tiên tôi viết về trải nghiệm của mình. Tại một nhà ga, tôi bị một nhóm đàn ông sỉ nhục bằng những lời lẽ kỳ thị chủng tộc. Nhà ga lúc đó đông người nhưng không ai can thiệp hay sau đó hỏi, tôi có sao không. Trong hoàn cảnh này tôi cảm thấy mình hoàn toàn cô đơn và bất lực.“ Sau dòng Tweet, một người phụ nữ Đức gốc Á không quen biết đã viết cho tôi. Cô viết: „Vết thương không còn là vô hình, qua những gì bạn cho chúng tôi biết về nó. Đây không phải là sự bất lực, mà nó tạo ra động lực tiếp sức cho bạn.

 Điều đó đã cho tôi rất nhiều sức mạnh. Tôi đã gặp rất nhiều người thông qua Twitter, Instagram và nhóm “DAMN” (Deutsche Asiat*innen Make Noise!!) và ai cũng cảm thấy như vậy. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á vẫn luôn tồn tại, nhưng theo cảm nhận của tôi, từ khi xảy ra đại dịch, đã có sự nhận thức lớn hơn về điều này trong giới trẻ có nguồn gốc châu Á. Cũng có thể nó liên quan đến cách mà các phương tiện truyền thông đưa tin. Nếu các bài báo về Corona được minh họa nhiều lần bởi những hình ảnh người châu Á, mặc dù không hề liên quan đến những người này, đã khiến chúng tôi trở thành mục tiêu.

 Khi tôi viết thư cho các tòa soạn, thì thường nhận được thái độ tự vệ hoặc không có phản ứng nào cả. Tất cả chúng tôi đều chán ngấy vì mọi người đàm tiếu về chúng tôi, mà không đối thoại với chúng tôi. Và họ luôn còn rất nhiều sáo ngữ trong đầu. Phụ nữ châu Á thường hay bị sàm sỡ. Thêm vào đó, người châu Á bị cho là phải chịu trách nhiệm về con Virus và đại dịch. Đôi khi tôi tự nhủ rằng, giá mà mình được quay trở lại cuộc sống trước đại dịch, nơi tôi ‘chỉ’ phải trải nghiệm sự phân biệt chủng tộc thường nhật. Thế nhưng mặt khác, điều đó đã dẫn tôi đến công việc của nhà hoạt động tích cực.“

Nguyễn Thi Minh Huyền, 27 tuổi, đến từ Berlin, là thành viên của nhóm “IchbinkeinVirus” (tôi không phải là Virus)

 Huyền là sinh viên và nhà văn tự do. Cô là thành viên của nhóm sáu người “IchbinkeinVirus”, một mạng lưới chống phân biệt chủng tộc. Mục đích của dự án là làm hiển thị các báo cáo kinh nghiệm và tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng, các nhà hoạt động và trung tâm tư vấn trao đổi với nhau. Ý tưởng này đã được khởi xướng bởi Victoria Kure-Wu và đã gửi tới hackathon #wirvsvirus của chính phủ Liên bang vào tháng Ba. Đó là một trong số hơn 1.500 dự án đối phó với nạn phân biệt chủng tộc trong kỷ nguyên Corona.

“Tôi đã tham gia trước thời Corona. Tuy nhiên hoạt động hàng ngày đã trở nên cấp bách hơn trong thời gian này. Khi còn trẻ, đơn giản là tôi giấu rất nhiều thứ dưới gậm bàn. Có nghĩa là: Tôi không muốn phản kháng, tôi muốn tôi vô hình. Bây giờ điều đó đang thay đổi từ khi tôi nói chuyện với những người bạn nhập cư, tôi đã thấy mình trong những câu chuyện của họ. Tôi nghĩ rất nhiều về thời thơ ấu của mình và hồi tưởng lại sự phân biệt đối xử mà tôi đã trải qua.

 Khi chúng tôi bắt đầu tham gia chính trị và phản đối hiện trạng xá hội, chúng tôi nhận ra rằng tiếng nói của chính mình là quan trọng. Rằng chúng ta cũng có thể thay đổi một cái gì đó. Một ví dụ là đồng nghiệp Victoria của tôi: Cô ấy không muốn cho qua một thực tế là mẹ cô ấy ở Bielefeld đã từng sống trong sự hằn học. Mẹ cô đã không thể đến nơi công cộng. Victoria đã quyết định thành lập “IchbinkeinVirus”.

 Tôi đã sống ở New York 5 năm. Ở đó cách nhận thức về phân biệt chủng tộc có khác. Một điều bình thường là khi người cấp trên của bạn là một người phụ nữ Mỹ gốc Phi và trong công ty có những sáng kiến ​​đa dạng và hoà nhập. Ở Đức tôi có cảm giác rằng bạn thậm chí không thể đặt tên cho điều đó. Thật sự là bực bội: khi chúng ta chỉ ra những bất công, ví dụ như ban giám khảo hackathon toàn những người da trắng, hầu hết mọi người đều có tư thế phòng thủ thay vì đơn giản là lắng nghe.

 Tôi mong muốn rằng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Á châu cần phải được nhận định một cách nghiêm chỉnh và tiền rót vào các dự án là để giải quyết chủ đề này: Để người Đức da trắng trở nên có ý thức hơn về trách nhiệm của họ và cùng nhau tranh đấu.”

Cuso *, 26 tuổi, sống ở Cologne và là thành viên của Diaspor.Asia – một podcast về triển vọng châu Á ở Đức

Cuso học khoa xã hội học và làm việc như một huấn luyện viên giáo dục chính trị trong các lĩnh vực chống phân biệt chủng tộc và tự cường cho người da đen và người da màu. Cùng với Xinan, Cuso sản xuất podcast Diaspor.Asia. Họ muốn trở thành một phần của khung cảnh truyền thông mới mang lại tiếng nói với bản sắc châu Á.

“Nhiều người di cư thuộc thế hệ đầu tiên, như mẹ tôi, đã đau đớn trải qua nhiều lần bị hắt hủi cô lập. Mẹ tôi biết thế nào là bị chế nhạo khi nói tiếng Đức không đúng cách, khi thường xuyên không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào nơi công sở. Tuy nhiên, bà nói rằng mọi thứ ở Đức đều tốt. Tôi nghĩ đó là một cơ chế tự vệ. Bà gạt qua những trải nghiệm tiêu cực. Nhưng bây giờ, ở đâu người châu Á bị hằn học và phải lo lắng về sức khỏe thể chất, họ không thể tránh khỏi. Hình ảnh vỡ vụn – vết thương cũ trở nên rõ ràng.

 Tôi thấy một số người Đức gốc Á lần đầu tiên được chú ý trước công chúng, cũng trong vai trò chính trị. Các bạn trẻ đến với nhau, trao đổi ý kiến. Họ thành lập nhóm, tập thể truyền thông. Sau vụ tấn công Hanau, nhiều nhóm nhập cư đã được tổ chức. Sự tự tin cũng khác nhau: Những người trẻ tuổi làm việc với các tiêu đề như “Người Đức gốc Á” hoặc “Người da màu” và với điều đó họ di chuyển trên những cầu nối mà các thế hệ trước đã xây dựng. Họ trao đổi ý tưởng trên phương tiện truyền thông xã hội, thảo luận công khai về sự đa dạng trong các bộ phim hoặc trên phương tiện truyền thông, nói về trải nghiệm của họ trong podcast và trên YouTube. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Á đang bùng nổ và ngay bây giờ tôi không biết sẽ còn lại bao nhiêu qua đỉnh điểm đó. Bởi vì nó sẽ không biến mất, nó sẽ chỉ biến khỏi công cộng. Bây giờ là lúc để làm ầm lên, để nó trở nên hiện hữu hơn. Bây giờ là lúc làm để cho giọng nói có tiếng vang hơn và để mọi người chú ý lắng nghe hơn.”

 

* Theo yêu cầu của Cuso, chúng tôi giấu tên họ.

Team VdV e.V.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *